Hãy trả lại cho dân quyền bảo tồn di sản...

Thứ ba, ngày 08/02/2011 13:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2010 là năm “được mùa” về các danh hiệu di sản văn hoá, nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập trong công tác bảo tồn di sản văn hoá...
Bình luận 0

 

Nhân dịp Xuân Tân Mão 2011, NTNN đã có cuộc trò chuyện với GS-TSKH Tô Ngọc Thanh (ảnh) - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam về vấn đề này.

img
GS Tô Ngọc Thanh

Thưa Giáo sư, những năm qua, Việt Nam liên tục được Tổ chức UNESCO vinh danh bằng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc. Giáo sư có thể cho bà con nông dân - những người sáng tạo và nắm giữ kho báu vô giá đó của dân tộc biết một cách đầy đủ nhất những kết quả mà chúng ta đã đạt được.

- Từ hàng ngàn năm nay, người nông dân là chủ thể trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Họ không chỉ sản xuất ra của cải vật chất, mà họ còn sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật. Những sáng tạo ấy trước hết là để phục vụ đời sống hàng ngày của con người.

img Một việc cũng cần làm ngay là chấm dứt sự can thiệp của các nhà chuyên môn và quản lý vào việc thay đổi diện mạo cũng như bản chất của di sản như đã có lúc người ta định biến Dàn Nhã nhạc cung đình Huế thành Dàn Giao hưởng giống các dàn nhạc giao hưởng phương Tây "cho nó hiện đại" (!?). img

GS Tô Ngọc Thanh

Trong những năm của thập niên 2000, chúng ta liên tiếp được Tổ chức UNESCO vinh danh một số di sản văn hóa phi vật thể. Trước hết là Nhã nhạc cung đình Huế, bao gồm hai hệ thống bài Đại nhạc dùng trong những dịp lễ nghi trang trọng và Tiểu nhạc dùng trong những hoạt động thường ngày của cung đình. Mặc dầu đó là âm nhạc cung đình, nhưng người sáng tác ra nó lại là các nghệ nhân, những người xuất thân từ nhân dân.

Tiếp theo là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hầu như mọi dân tộc Việt Nam đều dùng cồng chiêng, nhưng tập trung nhất là ở các dân tộc Tây Nguyên. Ở đây, cồng chiêng có mặt trong mọi hoạt động trọng đại của con người như đi tìm đất làm rẫy, lễ cầu an cho lúa cho đến khi cất lúa vào kho. Cồng chiêng cũng song hành với những chặng đời một con người từ khi lọt lòng tới khi nằm xuống về với tổ tiên.

Tiếp theo là Hát Quan họ Bắc Ninh, Ca trù và mới đây là Hội Gióng, đều là những giá trị văn hóa cao mà mọi người đều biết. Năm 2010, chúng ta hoàn thành hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ và đã nộp đúng kỳ hạn cho UNESCO. Năm nay, chúng lại bắt đầu chuẩn bị hồ sơ cho Đờn ca Tài tử Nam bộ. Vốn di sản văn hóa của chúng ta rất giàu có và có giá trị. Chúng ta sẽ dần dần trình UNESCO trong nhiều năm sau nữa.

img
Ngày hội ở buôn Kô Thông, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.

Tình trạng khai thác, bảo tồn các di sản văn hoá như Thành Nhà Mạc, Ô Quan Chưởng… hiện nay đang có nguy cơ làm biến dạng các di tích. Theo quan điểm của một nhà chuyên môn, ông nghĩ thế nào về tính hai mặt của việc bảo tồn hiện nay.

- Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng nhìn chung, chúng ta, nhất là các cơ quan quản lý, mới chỉ nói đến việc cần phải bảo tồn di sản nhưng chưa làm cho nhân dân và cả một số cán bộ hiểu phải bảo tồn như thế nào, bằng cách gì và ai làm việc này? Và cũng phải hiểu rằng đối với mỗi loại hình di sản phải có cách bảo tồn phù hợp với bản chất và đặc trưng của chúng.

Theo tôi, đây là nhiệm vụ của các cơ quan văn hóa tỉnh, huyện và Bộ. Đáng lẽ phải có những lớp tập huấn trước hết cho cán bộ văn hóa, sau đó mới đến những buổi nói chuyện, tọa đàm trong các làng xóm giữa những người dân với nhau. Khi dân đã hiểu thì họ bảo vệ tốt hơn nhiều.

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng có đôi chút kinh nghiệm về vấn đề này, ví dụ: Chúng tôi đã tài trợ để các cụ nghệ nhân mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ. Việc mở lớp sẽ tiếp tục dạy cho lớp trẻ tuổi hơn thay thế cho lớp "con và cái" (tức diễn viên) lứa trước đã lớn, xa quê đi bộ đội, đi học đại học hay lấy chồng.

Điều quan trọng nữa là phải giữ nguyên trạng của di sản. Những "sáng kiến", "cải tiến", "nâng cao", "làm giàu" sẽ làm sai lạc nội dung và hình thức của di sản, thực chất là làm nó biến dạng đi. Trong những năm qua đã có hai di sản ở các nước bị UNESCO tước bỏ danh hiệu chỉ vì đã không giữ được toàn vẹn nội dung, hình thức và do đó đã làm sai lạc giá trị vốn có của di sản.

Ông là một người nổi tiếng cẩn trọng, thẳng thắn trong công việc. Ông nghĩ sao về hiện tượng nhiều nơi ồ ạt làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản của địa phương mình?

- Theo tôi biết thì không có hiện tượng "nhiều nơi ồ ạt làm hồ sơ" vì việc chọn lựa di sản nào được tiến hành làm hồ sơ là do Hội đồng Di sản quốc gia đề nghị, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu nguyện vọng của các địa phương là mong có được một di sản được UNESCO công nhận.

Đó là nguyện vọng chính đáng vì vốn di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam rất phong phú, trong số đó có khá nhiều di sản có giá trị phù hợp với tiêu chuẩn của UNESCO. Tôi tin rằng Hội đồng Di sản quốc gia sẽ không "bỏ sót" các giá trị đó và sẽ chọn lựa dần.

Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm bảo tồn di sản là của các nhà chuyên môn, nhà quản lý, nhưng bảo vệ danh hiệu và giá trị của di sản lại thuộc về toàn dân. Vậy đâu là những việc cần làm ngay của chúng ta hôm nay?

- Như kinh nghiệm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã trình bày ở trên, nhân dân là tác giả của di sản nên họ cũng chính là những người hiểu biết nhất về giá trị của di sản và việc trao trả lại cho họ quyền được bảo tồn và phát huy những giá trị đó là điều đương nhiên.

Các nhà chuyên môn và quản lý có nhiệm vụ giúp dân có điều kiện tinh thần và vật chất để dân có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản như yêu cầu của UNESCO. Một việc cũng cần làm ngay là chấm dứt sự can thiệp của các nhà chuyên môn và quản lý vào việc thay đổi diện mạo cũng như bản chất của di sản như đã có lúc người ta định biến Dàn Nhã nhạc cung đình Huế thành Dàn Giao hưởng giống các dàn nhạc giao hưởng phương Tây "cho nó hiện đại" (!?) (GS Tô Ngọc Thanh).

Một năm tất bật đã qua, giờ là mùa xuân, thời điểm chúng ta cùng nghĩ về giá trị tâm linh, trong đó có việc bảo tồn các giá trị lịch sử dân tộc. Ông có thể chia sẻ vài ý kiến về vấn đề này?

- Di sản văn hóa là những tinh hoa được ông cha ta sáng tạo trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Một hệ thống các tinh hoa là biểu hiện của truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Vì vậy, ngoài giá trị nhân văn và nghệ thuật, di sản còn là những biểu tượng của hồn thiêng đất nước và lịch sử, là niềm tự hào của toàn dân, là điểm tựa vững chắc để ngày nay chúng ta xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, nhưng "đậm đà bản sắc dân tộc".

Đây không chỉ là chủ trương của Đảng và Nhà nước mà trước hết là ý thức của toàn dân tộc. Trong cuộc hội thảo quốc tế về Đờn ca Tài tử vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh để chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO, các đại biểu đều thống nhất rằng nói đến Nam bộ mà không nói đến Đờn ca Tài tử thì tức là chưa hiểu gì về văn hóa Nam bộ cả, vì Đờn ca Tài tử không chỉ là di sản, mà còn là tài sản, là "máu thịt" của mỗi người dân nơi đây.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem