Hé lộ các ngân hàng đang dẫn đầu cuộc đua "tốc độ" tăng trưởng lợi nhuận
Hé lộ các ngân hàng đang dẫn đầu cuộc đua "tốc độ" tăng trưởng lợi nhuận
Huyền Anh
Thứ sáu, ngày 15/07/2022 06:24 AM (GMT+7)
Mở đầu cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2022 với kết quả tích cực, với tốc độ tăng trưởng có ngân hàng ước tính lên tới 3 con số.
Theo nguồn tin từ ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước tính gần 5.900 tỷ đồng. Kết quả này tăng 84% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Trong đó, tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ. Các chỉ số đều tăng trưởng khả quan.
Như vậy, SHB là ngân hàng thuộc TOP nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay cho tới thời điểm hiện tại.
Trước đó, TPBank cũng đã công bố lợi nhuận kinh doanh quý II/2022. Theo đó, TPBank bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I.
Lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tổ chức mới đây, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn tập đoàn xấp xỉ 29,9 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận 11,92 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Hay như tại SeABank, 6 tháng đầu năm ghi nhận nhận lợi nhuận trước thuế 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng tới 180% so với con số đạt được cùng kỳ năm 2021, theo công bố mới nhất của ngân hàng.
Tương tự với Eximbank, theo ước tính, nửa đầu năm nay, nhà băng này đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo vừa cập nhật mới đây các chuyên gia tại Chứng khoán SSI, cũng dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VIB sẽ ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) trong quý II/2022.
Như vậy, lũy kế cho 6 tháng đầu năm 2022, VIB sẽ lãi trước thuế hợp nhất ước khoảng 5 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ). Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng cao (hơn 9,5% so với đầu năm) và NIM ổn định khoảng 4,4%.
Với khối ngân hàng quốc doanh, dù chưa công bố con số cụ thể, nhưng ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đạt khoảng 30%. Tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng ấn tượng là những yếu tố giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng trên.
Một trong những yếu tố tác động tới lợi nhuận nửa cuối năm của các ngân hàng đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Dù vậy, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15% -16% - cao hơn mục tiêu hiện nay đang đặt ra.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có thể chịu áp lực so với nửa đầu năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, NIM của các ngân hàng được nới rộng do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và hệ số cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) cao hơn.
Tuy nhiên, khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được ban hành, áp lực của việc tăng lãi suất huy động cũng sẽ tăng lên. Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn được hạ xuống 34% kể từ ngày 1/10/2022. Các ngân hàng, do đó, sẽ phải tăng nguồn vốn huy động dài hạn của mình, khiến chi phí vốn bình quân cao hơn. Trong khi, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động. Dù vậy, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, NIM trong nửa cuối 2022 vẫn sẽ cao hơn nửa cuối năm 2021.
SSI Research cũng dự báo các nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.
Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.
SSI Research cho rằng rủi ro lớn hơn có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản (25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022 và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024) và làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.