Giá xăng tăng 800 đồng/lít sẽ tác động tới lạm phát
Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Trí Long – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho biết, trong thời gian qua, với những bất ổn của tình hình chính trị thế giới sau sự việc Mỹ bắn tên lửa vào Sirya và tình hình phức tạp ở bán đảo Triều Tiên đã gây áp lực lên giá xăng dầu trên toàn cầu. “Nguyên lý bao giờ cũng thế, cứ có bất ổn về chính trị thì giá vàng và giá xăng dầu sẽ tăng. Mà xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài tới 70%. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước cũng phải hòa đồng với giá thế giới nên xu thế tăng giá trong kỳ điều chỉnh này là tất yếu”, ông Long phân tích.
Theo ông Ngô Trí Long, hiện lạm phát quý I đã ở mức cảnh báo, nếu các cơ quan chức năng không điều chỉnh phù hợp thì chỉ tiêu lạm phát 4% được Quốc hội đặt ra trong năm 2017 là khó thực thi. Muốn điều chỉnh giá xăng dầu cho hợp lý, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra công cụ bình ổn điều tiết, đặc biệt là trong điều kiện Quỹ bình ổn vẫn còn dư thừa.
Ông Long cũng nhận định, xu hướng giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng do tình hình chính trị thế giới vẫn chưa hết căng thằng ngay được. Tuy nhiên, giá xăng dầu cũng có thể không tăng cao vì hiện Mỹ đã khai thác được dầu đá phiến với giá thành rẻ, từ đó làm giá thành xăng dầu giảm xuống.
Cùng chung nhận định trên, ông Trần Minh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết, giá xăng dầu đã được điều hành theo cơ chế thị trường nên khi xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước cũng điều chỉnh tăng theo. "Việc tăng bao nhiêu trong phiên điều chỉnh chiều nay còn phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước trích Quỹ bình ổn ở mức nào. Tôi được biết là quỹ bình ổn vẫn còn đang dư thừa một lượng lớn", ông Hà cho biết. Theo ông Hà, giá xăng thế giới chênh khoảng 700 đồng còn dầu 600 đồng, tăng bao nhiêu vào chiều nay là do điều hành của cơ quan quản lý.
Nhìn lại các kỳ điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 7 kỳ điều chỉnh. Theo đó, giá xăng chỉ tăng 1 lần (504 đồng) vào đợt điều chỉnh ngày 18.2. Đợt giảm giá ngày hôm 5.4 là lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2017 giá xăng giảm.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2017 cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý đạt 5,1%. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1.2017 tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66%, so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Theo dữ liệu giá thành phẩm trên thị trường Singapore, giá xăng trung bình 15 ngày qua là ở mức 66 USD/thùng, cao hơn 4 USD/thùng so với mức giá trung bình của 15 ngày trước (61,837 USD/thùng).
Tính toán cho thấy, giá cơ sở mặt hàng xăng trung bình hiện ở mức 18.038 đồng/lít, cao hơn 800 đồng so với mức giá bán lẻ xăng hiện hành là 17.230 đồng/lít.
Do vậy, nếu không có gì thay đổi về việc trích lập, chi quỹ bình ổn giá, giá xăng hôm nay, 20.4 có thể tăng mạnh khoảng 800 đồng/lít. Đây sẽ là mức tăng kỷ lục tính từ đầu 2017 tới nay.
Tuy nhiên, nếu cơ quan điều hành giá sử dụng công cụ bình ổn giá như chi sử dụng quỹ bình ổn giá, trích lập quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu có thể sẽ được “hãm” đà tăng. Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng cho biết, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, cũng đề nghị bộ Công Thương – Tài chính phối hợp tính toán tác động việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu vào thời điểm phù hợp, nhất là trong giai đoạn điều chỉnh giá các mặt hàng khác. Đồng thời, nghiên cứu việc sửa đổi Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.