Hệ thống "Bàn tay thần chết” của Nga và nỗi ám ảnh ngày tận thế
Hệ thống "Bàn tay thần chết” của Nga
Nam Đoàn
Thứ sáu, ngày 28/06/2024 22:30 PM (GMT+7)
Hệ thống "Bàn tay thần chết" được thiết kế hoạt động độc lập để tấn công các mục tiêu của kẻ thù cho dù toàn bộ lãnh thổ Nga bị phá hủy do một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện.
Nga hiện đang là quốc gia kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, có số lượng dự trữ đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới. Đáng chú ý là hệ thống Perimeter, được phương Tây gọi là "Bàn tay thần chết".
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tính đến năm 2022, Tổng thống Putin kiểm soát khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, con số này đối với Hoa Kỳ là 5.428.
Ước tính Nga có khoảng 1.500 đầu đạn không sử dụng (nhưng có thể vẫn còn nguyên vẹn), 2.889 đầu đạn dự trữ và 1.588 đầu đạn chiến lược được triển khai.
Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử cho biết, về mặt tác chiến, Nga hiện có 812 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, 576 đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và khoảng 200 dự trữ tại các căn cứ để trang bị cho máy bay ném bom hạng nặng.
Trong khi, đối với Trung Quốc, kho vũ khí của nước này tổng cộng có 350 đầu đạn, Pháp 290 và Anh 225 đầu đạn.
Nếu trong trường hợp Moscow và Washington tấn công hạt nhân, khi đó Nga có thể kích hoạt hệ thống Perimeter, sức mạnh của nó đủ để hủy diệt thế giới nhiều lần.
"Bàn tay thần chết" đảm bảo rằng, Nga có thể đáp trả kẻ thù ngay cả khi toàn bộ lực lượng vũ trang của họ bị tiêu diệt. Sau khi kích hoạt, hệ thống Perimeter sẽ khởi động toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Đây là một phần trong học thuyết Chiến tranh Lạnh về sự hủy diệt được đảm bảo lẫn nhau chính là bên nào khởi xướng cuộc tấn công hạt nhân trước cũng sẽ bị tiêu diệt.
Hệ thống "Bàn tay thần chết" hoạt động như thế nào?
Khi Perimeter được kích hoạt, một tên lửa chỉ huy sẽ được phóng theo quỹ đạo trải dài lãnh thổ của đất nước.
Nó mang theo một thiết bị vô tuyến nhằm truyền lệnh phóng tới các hầm chứa hạt nhân của Nga, bất chấp hiện tượng gây nhiễu sóng vô tuyến.
Năm 1985, hệ thống Perimeter chính thức đưa vào trong biên chế quân đội Liên Xô, khi tên lửa chỉ huy "Bàn tay thần chết" được thử nghiệm thành công.
Hệ thống Perimeter của Nga phục vụ mục đích tự vệ và răn đe, quốc gia này liên tục nâng cấp nó cho phù hợp với các chiến lược răn đe hạt nhân mới của Nga.
Điển hình như việc đồng bộ hệ thống Perimeter với các vệ tinh, radar của Nga cho mục đích cảnh báo sớm khi đất nước bị đe dọa tấn công hạt nhân. Thậm chí, nó còn được kết nối với các tên lửa siêu thanh mới của quốc gia này.
Vào năm 2011, Tướng Sergey Karakaev thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga xác nhận hệ thống Perimeter với một tờ báo Nga.
Đối với Hoa Kỳ, quốc gia này cũng đã phát triển các công nghệ như các cảm biến địa chấn và bức xạ, chúng sử dụng để giám sát lãnh thổ quốc gia và thế giới liên quan đến các vụ nổ hạt nhân hay các hoạt động quân sự khác.
Nhưng quân đội Hoa Kỳ chưa bao giờ chế tạo một hệ thống kích hoạt tự động cho toàn bộ kho vũ khí của mình.
Thay vào đó, đất nước cờ hoa tạo ra một hệ thống hoàn toàn khác, nó sẽ đảm bảo rằng những người Mỹ sống sót sau cuộc tấn công hạt nhân thứ nhất có thẩm quyền tiến hành kích hoạt các loại vũ khí hạt nhân của quốc gia để phát động cuộc tấn công thứ hai.
Hệ thống Perimeter được báo cáo là vẫn còn hoạt động, chính vì thế nguy cơ tấn công hạt nhân tự động do máy tính tạo ra vẫn còn tồn tại trong cuộc sống ngày nay.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt kho vũ khí hạt nhân của đất nước trong tình trạng báo động cao, một số nhà khoa học dự đoán, ông cũng có thể đã chú ý hệ thống "Bàn tay thần chết".
Nga vẫn là một siêu cường hạt nhân
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, kho vũ khí của Liên Xô đạt đỉnh điểm khoảng 40.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ chỉ 30.000 đầu đạn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để đưa chúng vào các vũ khí gắn trên tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom thế hệ mới của đất nước là một điều không phải là dễ dàng.
Nga có khoảng 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân, trong khi bản tin các nhà khoa học nguyên tử ước tính, con số này là 1.185 đầu đạn.
Hải quân Nga đang vận hành 10 tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân, có thể mang tối đa 800 đầu đạn và 60-70 máy bay ném bom hạt nhân.
Hoa Kỳ cho biết trong Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022, Nga và Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và Washington sẽ theo đuổi cách tiếp cận dựa trên việc kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.
Trong khi, Tổng thống Putin cho biết, ông có thông tin Mỹ đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới của riêng mình.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) có trụ sở tại Mỹ, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chỉ có một số quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân bao gồm Mỹ thử nghiệm lần cuối năm 1992, Trung Quốc và Pháp năm 1996, Ấn Độ và Pakistan năm 1998 và Triều Tiên lần cuối năm 2017.
Ai có thể ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân Nga?
Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống Putin là người ra quyết định cuối cùng sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm chiến lược và phi chiến lược.
Bên cạnh Tổng thống luôn có một chiếc cặp hạt nhân hay "Cheget" (được đặt theo tên ngọn núi Cheget ở dãy Caucasus). Bộ trưởng Quốc phòng Nga hiện nay là Sergey Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng quân đội là Đại tướng Valery Gerasimov cũng được cho là có những chiếc cặp như vậy.
Về cơ bản, chiếc cặp là một công cụ liên lạc, kết nối lệnh từ Tổng thống Nga với các cấp chỉ huy quân sự hàng đầu và các lực lượng tên lửa thông qua hệ thống điện tử cực kỳ tối mật có tên là "Kazbek".
Đoạn phim do kênh truyền hình Zvezda của Nga chiếu vào năm 2019 cho thấy, chiếc cặp hạt nhân có nhiều nút bấm. Trong phần được gọi là "lệnh", có hai nút bao gồm nút "khởi động" màu trắng và nút "hủy" màu đỏ.
Theo Zvezda, chiếc cặp được kích hoạt bằng một thẻ flashcard đặc biệt.
Trong trường hợp Nga đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, Tổng thống Nga sẽ thông qua chiếc cặp gửi lệnh phóng trực tiếp tới bộ chỉ huy tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị, đây đều là những đơn vị nắm giữ mã hạt nhân.
Mệnh lệnh sẽ nhanh chóng truyền xuống các hệ thống thông tin liên lạc khác nhau tới các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược, sau đó họ sẽ kích hoạt tên lửa hạt nhân bắn vào các mục tiêu.
Nếu một cuộc tấn công hạt nhân được xác nhận, Tổng thống Putin có thể kích hoạt hệ thống "Bàn tay thần chết", đây là biện pháp cuối cùng.
Về cơ bản máy tính sẽ quyết định ngày tận thế, một tên lửa điều khiển sẽ ra lệnh tấn công hạt nhân từ khắp kho vũ khí khổng lồ của Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.