Hệ thống thu vé đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có gì đặc biệt?
Hệ thống thu vé đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có gì đặc biệt?
Thế Anh
Thứ hai, ngày 30/08/2021 17:47 PM (GMT+7)
Đến tháng 8/2021, tiến độ tổng thể của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đạt 74%, hệ thống thu vé tự động là gói thầu cuối cùng của dự án cũng đã về tới Việt Nam.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa mới cho biết, thiết bị thu vé tự động đang được đơn vị phối hợp cùng các nhà thầu khẩn trương hoàn tất các thủ tục thông quan tại cảng Hải Phòng. Đồng thời, tiến hành vận chuyển các thiết bị thuộc hệ thống thu vé tự động phục vụ cho giai đoạn vận hành đoạn trên cao về Hà Nội bằng xe chuyên dụng.
Các thiết bị của hệ thống thẻ vé đã được vận chuyển từ Pháp về đến Việt Nam bao gồm máy bán vé tự động (TVM), hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé (TOM), máy khởi tạo thẻ (CIM), thiết bị soát vé cầm tay (PCD)…
Hệ thống được vận chuyển cùng các phụ kiện, vật tư dự phòng của các thiết bị này để lắp đặt, phục vụ cho việc vận hành thương mại của giai đoạn 1 - tuyến đoạn trên cao.
"Hệ thống thu vé tự động là gói thầu cuối cùng của dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội. Gói thầu CP09 chính thức khởi công vào ngày 22/10/2020", Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.
Được biết, phạm vi công việc của gói thầu CP09 bao gồm thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống thu vé tự động gồm 4 hạng mục chính: phương tiện vé (vé không tiếp xúc và thẻ không tiếp xúc); các thiết bị nhà ga phục vụ giao diện hành khách (gồm các máy bán vé tự động, các cổng kiểm soát vé ra vào tự động…); các thiết bị điều khiển và giám sát tại các nhà ga; thiết lập và điều khiển dữ liệu tại trung tâm điều hành; hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Pháp.
Báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho thấy, tính đến tháng 8/2021, tiến độ tổng thể của dự án đạt 74%, trong đó tiến độ triển khai đoạn trên cao từ khu Depot tới ga S8-Cầu Giấy đạt 89,4%.
Trong thời gian vừa qua, các đoàn tàu của dự án bắt đầu được đưa vào vận hành thử toàn dọc tuyến trên cao có độ dài 8,5km, từ Depot Nhổn đến ga S8 (Nhổn-Cầu Giấy) và ngược lại nhằm đánh giá, đảm bảo sự kết nối giữa các hệ thống thành phần cũng như đảm bảo các chức năng của toàn bộ hệ thống đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được thực hiện một cách an toàn, ổn định khi đưa vào khai thác. Sau khi hoàn thành công tác thử nghiệm liên động, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm tra chạy thử.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3929/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành để tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ dự án tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội.
Tổ công tác liên ngành do ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm Tổ trưởng. Các Phó Tổ trưởng gồm ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên gồm Phó Giám đốc các Sở Xây dựng, Quy hoạch- Kiến trúc, Tài chính, Tư Pháp cùng lãnh đạo UBND các quận có tuyến đường sắt đô thị đi qua.
Nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành là đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội, phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc một cách nhanh chóng, hiệu quả nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Ngoài việc thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành đã được giao, thành viên Tổ Công tác liên ngành có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ được giao của Tổ trưởng. Trong trường hợp Tổ trưởng vắng mặt, ủy quyền cho Tổ phó thay mặt chỉ đạo, điều hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.