Heo chết ồ ạt chưa rõ nguyên nhân

Thứ hai, ngày 13/09/2010 13:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại nhiều địa phương ở Bình Định, heo đang chết ồ ạt đến chôn không kịp, xác heo bị vứt đầy ra sông, suối, lề đường. Không chỉ có người chăn nuôi khổ, những người khác cũng khổ vì mùi hôi thối.
Bình luận 0

Ngủ cũng phải bịt khẩu trang

Về Hoài Ân - huyện vùng sâu của Bình Định, nếu không có khẩu trang không chịu nổi với mùi hôi. Nơi thối nhất huyện này là dòng sông Kim Sơn từng nổi tiếng thơ mộng. Sông Kim Sơn trở thành nơi “yến tiệc” của lũ chó ở thị trấn Tăng?Bạt Hổ vì ngập tràn những bao đựng xác heo chết. Ăn xong, chúng còn tha về nhà để làm thức ăn dự trữ nên các khu dân cư không có nhà nuôi heo cũng được “hưởng” mùi heo chết.

Cùng chung số phận với sông Kim Sơn là tất cả các con sông nhỏ, suối, kênh thủy lợi có trên địa bàn huyện Hoài Ân. Đến thôn An Thạnh (xã Ân Phong), ông Nguyễn Văn Tư dắt chúng tôi ra chân cầu bắc qua con suối nhỏ.

Trong khi heo chết như ngả rạ vậy nhưng các cấp chính quyền cũng như ngành thú y địa phương chưa có kết luận cụ thể heo chết vì nguyên nhân gì, và cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Dòng nước nhỏ không đẩy được những cái bao đựng heo chết về hạ lưu, chúng nằm tập trung đống đống dưới chân cầu. Trên bờ suối, mấy con heo con chưa bị phân hủy nằm chồng lên nhau.

Ông giáo già than thở: “Cả tháng nay dân làng tôi phải sống chung với mùi hôi thối, ngủ cũng phải bịt khẩu trang”. Ông Huỳnh Văn Giáo - thú y viên xã Ân Phong, bộc bạch: “Mặc dù chính quyền địa phương liên tục vận động những hộ có heo chết phải mang đi chôn nhưng chẳng ai thực hiện. Họ cứ bỏ heo chết vào bao tải, lợi dụng đêm tối mang đi vứt”.

Nông dân ở Hoài Ân kỵ chôn heo chết vì sợ không còn nuôi heo được nữa, nên cứ có heo chết là đem vứt.

Nước mắt người nuôi heo

Suốt 1 tháng qua, dịch đã tàn phá đàn heo huyện Hoài Ân. Người chăn nuôi heo ở đây kể: Heo đang khỏe mạnh bỗng đỏ mắt, xuất huyết ngoài da, tím tai, bỏ ăn. Mặc dù được chữa trị “hết thuốc” nhưng rốt cuộc chúng vẫn chết. Có bầy phát bệnh chỉ 1 ngày là lần lượt ngã ra chết, có bầy cầm cự được 2-3 ngày. Heo chết hầu hết là heo thịt.

Nông dân Nguyễn Đình Thanh ở thôn An Thạnh (xã Ân Phong) không cầm được nước mắt: Mới chỉ 1 tháng mà bầy heo cả trăm con của gia đình tôi chết sạch. Hàng chục triệu đồng bỏ ra nhưng thuốc chích mặc thuốc, heo cứ chết. Nuôi heo hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy heo mắc căn bệnh lạ lùng và chết nhanh như vậy.

Chị Bình ở thôn Gia Trị, xã Hoài Đức, than thở: Lứa vừa rồi tôi nuôi được 12 con. Con cuối cùng cũng vừa chết chưa kịp chôn. 7,5 triệu đồng tiền giống, thức ăn đổ sông đổ biển. Anh Long - chủ đại lý bán thức ăn chăn nuôi ở thị trấn Tăng Bạt Hổ tiết lộ: Ngày nào người nuôi heo cũng đến nhà tôi khóc than việc chết sạch chuồng heo. Ở Hoài Ân có 14 xã, thị trấn thì hiện dịch bệnh đang tấn công hầu khắp, có nhiều xã heo chết gần sạch.

Nếu đàn heo ở huyện Hoài Ân bị dịch bệnh tấn công diện rộng thì ở huyện Tây Sơn dịch lại chủ yếu “càn quét” các trang trại. Ông Đỗ Văn Khoa - chủ một trang trại, chán nản: Trang trại của tôi đã bị chết gần 100 con cả heo nái, lẫn heo thịt và heo con. Trại của ông Khoa đang nuôi 150 con heo. Ngày 1-9, heo thịt bỗng dưng bỏ ăn rồi chết, trong tình trạng đỏ mình, tím tai. Dịch lây nhanh qua đàn nái sắp đẻ. Toàn bộ heo con chưa kịp đẻ đã chết ngay trong bụng mẹ.

Tiếp đến, toàn bộ heo lứa cũng bị lây bệnh chết. Ông Khoa nói: Đầu tư xây dựng trang trại, tôi còn nợ 110 triệu đồng. Bây giờ heo chết sạch không biết tiền đâu mà trả nợ, đó là chưa nói đến hàng chục triệu nợ các đại lý bán thức ăn chăn nuôi... Ghi nhận của NTNN, nhiều trang trại heo khác cũng lâm vào tình trạng trắng tay, nợ nần ngập đầu như ông Khoa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem