|
Anh Nông Văn Tuấn kiểm tra dây chuyền làm mỳ gạo được đầu tư từ vốn Ngân hàng CSXH. Ảnh Nguyễn Công |
Đang vào vụ thu hoạch thuốc lá, khu chợ ngay trung tâm xã Vạn Linh tấp nập người mua, kẻ bán. Ô tô vận tải từ khắp nơi đổ về xã Vạn Linh bán hàng tiêu dùng, rồi thu gom thuốc lá nguyên liệu từ đây chở về xuôi.
Có tiền mua phân, giống...
Vụ thuốc lá năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Chi, thôn Đông Thành trồng tới gần 1 mẫu. Sản lượng thuốc lá nguyên liệu của gia đình chị Chi năm nay khoảng hơn 1 tấn. Giá thuốc lá nguyên liệu đầu vụ chỉ ở mức 35.000đồng/kg, so với năm ngoái thấp hơn 10.000 đồng. Nhưng để có tiền mua phân bón, giống cho các đại lý, một số gia đình đành phải bán bớt thuốc lá nguyên liệu.
Nguồn vốn Ngân hàng CSXH Chi Lăng đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của xã Vạn Linh. Trong số 1.273 hộ dân trong xã thì chỉ còn 104 hộ nghèo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã hiện đạt gần 7 tỷ đồng.
Chị Chi phấn khởi cho hay: “Nhà tôi vẫn chưa bán, trữ ít lâu nữa, thế nào cuối vụ và giáp vụ giá thuốc lá nguyên liệu chẳng lên. Tiền mua phân bón, giống và tiền công thuê tôi đã trả trước đó bằng khoản vay 30 triệu đồng vốn chương trình tín dụng cho vay hộ SXKD vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH...”.
Không chỉ gia đình chị Chi, nhiều hộ trồng thuốc lá của xã Vạn Linh cũng không còn lâm vào cảnh bán non thuốc lá. Bà Hoàng Thị Tuệ - Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Làng Thượng thổ lộ: “Xóm có 80 nóc nhà, gần như nhà nào cũng trồng thuốc lá.
Năm ngoái, thuốc lá được giá, có gia đình thu về cả trăm triệu đồng. Không như trước kia, những năm gần đây, nhờ vay được vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ không phải bán non thuốc lá nguyên liệu đầu vụ, mà trữ chờ giá lên mới bán. Hiện trong tổ có 41 hộ đang được vay vốn Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là 412 triệu đồng...”.
Mở nghề, phát triển dịch vụ
Kinh tế nông nghiệp phát triển tạo điều kiện để nhiều hộ dân ở xã Vạn Linh mở mang thêm ngành nghề, dịch vụ buôn bán. Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, nhất là chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn đã hỗ trợ người dân trong việc mở nghề, tạo việc làm. Cơ sở sản xuất mỳ gạo của gia đình anh Nông Văn Tuấn nằm ngay con đường thôn Phố Mới.
Anh Tuấn lắp dây chuyền làm mỳ gạo liên hoàn năm 2009 với tổng vốn đầu tư 30 triệu đồng, trong đó có 25 triệu đồng được vay từ Ngân hàng CSXH. “Trước kia, trong nhà hầu như chỉ có một mình tôi là có việc, mà công việc cũng không được thường xuyên lắm. Từ ngày lắp dây chuyền làm mỳ gạo đã có 4 lao động trong gia đình có việc làm thường xuyên. Mỗi ngày, tôi làm được hơn 100kg mỳ khô, bán 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lao động vẫn còn được 50.000-60.000 đồng/ngày”.
Theo ông Ma Văn Thoa - Chủ tịch UBND xã Vạn Linh, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp địa phương mở rộng diện tích, năng suất cây thuốc lá. Năm 2009, toàn xã mới chỉ có 96ha, sang năm 2010 diện tích trồng thuốc lá đã lên tới 173ha.
Cộng 1 vụ thuốc lá và 1 vụ lúa, giá trị sản xuất trên đồng ruộng Vạn Linh đạt tới hơn 80 triệu đồng/ha. Ngoài việc đầu tư trồng thuốc lá, nhiều hộ dân trong xã được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã mua máy cày, máy bừa, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.