Hết cảnh bỏ học giữa chừng

Thứ tư, ngày 15/06/2011 07:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sau ba năm triển khai chính sách tín dụng đối với học sinh-sinh viên (HS-SV), nhiều con em hộ nghèo không phải bỏ học giữa chừng”- ông Trương Hồng Đức - Giám đốc Ngân hàng CSXH Tây Ninh.
Bình luận 0

Hai vợ chồng và 4 đứa con nhà anh Lê Minh Phương, ngụ ấp Tân Hòa xã Tân Thành, huyện Tân Châu chỉ có 1.000m2 đất, được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng, vợ chồng anh trồng mấy chục bụi mì (sắn) và cất căn nhà tạm tường đất làm chỗ trú mưa, trốn nắng.

Theo đuổi ước mơ đến trường

img

Nhờ nuôi bò, anh Nguyễn Văn Lái đã cho con vào cao đẳng.

“Hồi tỉnh Tây Ninh phát động phong trào tôn hóa nhà tạm, tôi phải đứng ra bảo lãnh với chủ đại lý bán chịu tôn hỗ trợ vợ chồng chú Phương lợp thay mái lá, nhưng suốt ba năm ròng vợ chồng chú ấy mới trả xong tiền mua mấy tấm tôn”- ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội ND xã Tân Thành, huyện Tân Châu kể.

Không có đất canh tác, vợ chồng anh Phương đành kiếm nghề mua, bán ve chai để mưu sinh. Hàng ngày vợ chồng anh đạp xe hàng chục cây số khắp hang cùng ngõ cụt mua từ tờ giấy vụn, từng chiếc chậu nhựa nứt vỡ… bán lại cho chủ vựa. Do nhiều người hành nghề ve chai nên nguyên liệu ở Tây Ninh khan hiếm, vợ anh phải xuống tận thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) xin ở nhờ tại một thánh thất cao đài 7 năm vừa đi lượm, đi mua ve chai lấy tiền về nuôi con.

Tuy nghèo nhưng vợ chồng anh vẫn quyết cho 4 con học hết phổ thông trung học. Rất mừng, các con của vợ chồng anh vừa ngoan, lại học giỏi, cháu thứ ba Lê Thị Đang là vận động viên vô địch cờ vua tỉnh Tây Ninh. “Biết cha mẹ nghèo nên cháu Ngoan và cháu Pha không dám thi đại học, chỉ thi trung cấp kế toán ở tỉnh nhà, dù hai cháu là học sinh giỏi xuất sắc của trường” - vợ anh Phương kể. Năm học 2010, cháu Lê Thị Đang đậu tốt nghiệp phổ thông, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn học tập, vợ chồng anh động viên con thi vào Trường Đại học nông- lâm TP.Hồ Chí Minh.

Biết vợ chồng anh Phương chưa được vay vốn đợt hai năm học 2010-2011 cho 3 con đi học, ông Trương Hoàng Sơn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Châu hứa: “Sáng mai, anh chị lên phòng giao dịch, tôi giải quyết ngay”.

Giúp cha mẹ trả nợ

img Tính đến 30.4.2011, dư nợ tín dụng theo QĐ 157/QĐ-TTg Ngân hàng CSXH Tây Ninh cho trên 20.289 hộ (với gần 23.155 hs-sv) vay hơn 311 tỷ đồng. img

Anh Nguyễn Văn Lái, ngụ ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu có 7.000m2 đất canh tác, mỗi năm thu vài chục triệu đồng bán củ mì nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học. Hàng ngày, vợ chồng anh phải đi làm mướn kiếm thêm thu nhập. Cách đây không lâu, ngôi nhà vách đất mái tôn bị gió lốc xô đổ, vợ chồng anh gom góp được chút tiền lận lưng nhưng không cất lại nhà mà dành nuôi các con ăn học.

Năm 2007 cháu đầu tên Quân thi đậu Đại học Bình Dương, vì cha mẹ không đủ tiền nên đành chuyển sang học Trường Cao đẳng điện TP.HCM. Kế Quân, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cháu Ân cũng vào học một trường cao đẳng.

“Nhờ sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), từ năm 2008 đến nay, hai con của anh Lái đều được chương trình tín dụng HS-SV cho vay với tổng số tiền 36 triệu đồng” - bà Trần Thị Minh - Chi hội trưởng ấp Bàu Dài kiêm tổ trưởng tổ TKVV cho biết.

Năm 2010, gia đình anh được vay 10 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo. Năm 2011, Hội ND hỗ trợ một máy xịt thuốc BVTV để anh Lái làm phương tiện đi làm mướn. Anh Lái cho biết, tiền vay ngân hàng anh nuôi bò sinh sản. Cháu Quân và Ân đã học xong cao đẳng và có việc làm. Các cháu đang có kế hoạch tích lũy giúp cha mẹ trả ngân hàng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem