Năm 2008, khi sáp nhập với Hà Nội, người dân huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ) đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư của Hà Nội, từng bước nâng cao đời sống. Tuy nhiên, một số xã như Kim Chung, An Khánh, Đức Thượng… lần lượt phải nhường đất nông nghiệp cho các dự án Khu đô thị Kim Chung Di Trạch, An Khánh… nên nhiều hộ không còn một tấc đất ruộng nào.
|
Học viên học thực hành nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức. |
Ưu tiên dạy nghề
Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác là sau khi thu hồi đất, người dân không được quan tâm hỗ trợ dạy nghề, không nghề sẵn có tiền đền bù đất, nhiều hộ đã mua xe máy, xây nhà, tiêu xài hoang phí, đến khi hết tiền họ quay lại đâm đơn kiện đòi đất, đòi bồi thường thêm… huyện Hoài Đức đã rất quan tâm đến công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho các hộ mất đất, gia đình chính sách và hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Kim Thư - Phó phòng LĐTBXH huyện Hoài Đức cho hay: “Năm 2012, huyện đã mở được 45 lớp, với 1.342 học viên học các nghề như nấu ăn, trồng nấm, cây cảnh, cây ăn quả, tin học văn phòng… Ví dụ ở xã Đông La có điều kiện để phát triển nghề trồng nấm thì Trung tâm tổ chức dạy trồng nấm; ở Song Phượng, Tiền Yên, Đắc Sở có điều kiện trồng rau sạch, nhãn thì Trung tâm dạy nghề trồng rau, cây ăn quả…”.
Theo thống kê, Hoài Đức có khoảng 3.872 hộ bị thu hồi đất, trong đó khoảng 60% số hộ có nhu cầu học nghề, số còn lại chuyển sang kinh doanh, hoặc làm ngành nghề khác. Gia đình anh Trần Văn Hà ở thôn Vân Lũng, xã An Khánh bị thu hồi tới 80% đất nông nghiệp, sau khi được học nghề trồng cây cảnh, anh đã chuyển nghề.
“Tôi thích nghề trồng cây cảnh từ lâu, nhưng phần vì không có vốn, phần không có kỹ thuật nên mình chỉ trồng vài cây chơi. Năm 2010, sau khi được học nghề trồng cây cảnh, tôi đầu tư trồng 60 cây sanh, lộc vừng, tùng, quất. Năm 2012, riêng tiền bán sanh thế và quất, tôi thu gần 100 triệu đồng” - anh Hà cho biết.
Không lo thất nghiệp
Hầu hết các lớp dạy nghề ở Hoài Đức đều được Trung tâm Dạy nghề của huyện đảm nhiệm. Ngoài dạy tại trụ sở, Trung tâm còn mở các lớp tại địa phương nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên, tiết kiệm thời gian đi lại, hoặc phải trọ học.
Năm 2013, kế hoạch của Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức là mở 21 lớp dạy nghề cho 605 học viên. Trung tâm sẽ dạy 11 nghề thông dụng, dễ tìm việc nhất như nấu ăn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y, hàn, điện dân dụng… Dự kiến kinh phí cho công tác dạy nghề 1,763 tỷ đồng.
Đến thăm lớp nấu ăn, tin học văn phòng tại trung tâm, chúng tôi mới thấu hiểu những ND mất đất cần có nghề như thế nào. Học viên đều chăm chú nghe thầy giảng, chăm chỉ thực hành mong sao ra trường có tay nghề để tự kiếm sống...
Em Nguyễn Thị Thúy - một trong những học viên xuất sắc của lớp nấu ăn chia sẻ: “Nhà em ở xã Kim Chung, gia đình em mất 100% đất làm lúa. Em phải lên thành phố đi làm ở quán bia, công việc vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Vừa qua, xã đạo điều kiện cho em đi học lớp nấu ăn. Em dự định ra trường sẽ mở quán ăn nhỏ ở nhà để kinh doanh, hoặc xin vào làm tại các quán ăn ở thị trấn”.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức cho biết, theo khảo sát, khoảng 80% số lao động sau khi đào tạo của trung tâm có việc làm. Một số làm tại các công ty, xưởng, nhà hàng trên địa bàn huyện, thành phố, số còn lại tự mở quán, cửa hàng để kinh doanh.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.