Thợ gặt từ các nơi đến gặt thuê, trọ các nhà trong xóm đã ra về hết. Trong làng có không ít cô gái buồn bã. Và đêm đêm, giữa những phút lặng của gió Lào, sau bờ tre có tiếng ai đó ru: “ Hết mùa toóc lụi rơm khô/ Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm...”.
Và bên kia cái bàu nước, một tiếng ru trẻ hơn, vọng lại: “ Gió đưa hoa cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay...”. Tôi nhận ra cả hai giọng hát ru. Một của chị Loan và giọng kia, chị Bưởi. Sau mùa, trong làng có tin đồn hai chị “chửa hoang” với thợ gặt Bãi Vọt! “Cái bụng đã thây lẩy ra rồi, làng đang bàn chuyện phạt vạ nếu không tìm được “thằng đó”. Ai bảo nhẹ dạ, cho chết!”. Câu chuyện buồn kiểu đó sau mùa gặt nào cũng có, hai câu hát như lời thở than cho định mệnh kiếp người.
Chẳng ai ngạc nhiên, người bị hại chiếm số đông nhất vẫn là nông dân! Không chỉ chuyện lỡ yêu, lỡ có con rồi người yêu “quất ngựa truy phong” chạy làng. Mà còn rất nhiều chuyện tày đình khác. Chuyện nghe hót ngon ngọt, đổ tiền, công sức ra nuôi heo, nuôi cá, trồng mía, nuôi đỉa, trồng khoai (hiện nay đang rầm rộ). Nếu giá đứng, người hứa có lợi thì họ hăng hái thu mua, thực hiện hợp đồng nghiêm chỉnh. Nhỡ sản phẩm mất giá, bao tiêu chạy làng, “bạn về quê bạn”, lặn mất tung tích thì chỉ còn “Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Nông dân được nghe tán tỉnh mua giống này, giống kia, phân này, thuốc nọ. Người bán nào cũng nổ một tấc lên trời. Nhưng có nơi lúa không trổ bông, phun thuốc quá đắt tiền mà sâu vẫn bò lổm ngổm, lúc làm thủy điện mấy ông đầu tư kiếm lời hứa hẹn đủ kiểu, nông dân nghe mà ham. Làm xong rồi, các ông xả nước vô tội vạ, chỉ báo trước vài giờ, nông dân trở tay không kịp. Trâu dắt qua rào rồi, còn biết kêu ai?
Người hỡi, hãy cảnh giác. Hãy nhanh chóng tổ chức những hội bảo vệ người tiêu dùng nông dân. Đừng để khi toóc lụi rơm khô mới buồn bã ru hời ru hỡi.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.