Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tính đến hết ngày 1/2, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và các Cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) các địa phương đã xử lý gần 10 vụ vi phạm về xăng dầu, trong đó chủ yếu là bán không đúng giá quy định, niêm yết, dừng bán hoặc bán số lượng ít trước trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão (tháng 1 năm 2023) ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương phía Nam.
Tình trạng này dấy lên lo ngại "cơn nổi loạn" về giá xăng dầu như năm 2022 sẽ trở lại và "cảnh cũ" xếp hàng mua xăng tại nhiều đô thị lớn sẽ tái diễn.
Thực tế, từ đầu năm 2023, giá xăng dầu thế giới đang có chiều hướng tăng nhẹ do nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang mở cửa trở lại, nhu cầu xăng dầu cao. Trong khi đó, OPEC và các nhà sản xuất dầu thô lớn không tăng sản lượng nhằm giữ giá hoặc kỳ vọng sự phục hồi kinh tế yếu kém từ Mỹ. Chính vì vậy, mức giá xăng dầu thành phẩm thế giới đầu năm 2023 được dự đoán sẽ lặp lại chu kỳ tăng, biến động như năm 2022.
Về nguồn cung, ở phương án điều hành nguồn cung và chuỗi phân phối xăng dầu bán buôn, trong quý IV/2022, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực sản xuất và yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6 năm 2023.
Bộ Công Thương khẳng định quyết tâm không để xảy ra thiếu hụt xăng dầu do Bộ đã chủ động yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu chủ động về nguồn nhập, tăng hạn ngạch. Theo đó, 2 kịch bản tăng trưởng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 được đưa ra, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng xăng dầu 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3, tấn.
Tuy nhiên, phía thị trường, doanh nghiệp và người dân vẫn lo ngại bởi ngay từ đầu năm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã phải khắc phục sự cố kỹ thuật, dù sau đó doanh nghiệp này cung ứng hơn 100% sản lượng và chạy tối đa công suất trước Tết Nguyên đán Quý Mão, giảm áp lực nguồn cung.
Lo ngại nhất vẫn là trong tháng 6-8/2023, nhà máy lọc dầu Dung Quất (Bình Sơn) sẽ đại tu lần thứ 5, kế hoạch bảo dưỡng sẽ diễn ra 40-50 ngày điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Theo chuyên gia và một số doanh nghiệp, nếu mức giá xăng dầu thành phẩm thế giới giai đoạn nhà máy lọc dầu Dung Quất đại tu ở trạng thái bình thường, thị trường xăng dầu trong nước sẽ ổn định. Lo ngại nhất là giá xăng dầu giao ngay hoặc giao kỳ hạn tăng rồi giảm mạnh, biến động liên tục, doanh nghiệp nhập xăng về bán lỗ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường, từ đây sẽ khiến những vấn đề nội tại của ngành xăng dầu tiếp tục khó giải quyết.
Đặc biệt, theo doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, các chính sách, cơ chế quản lý thị trường xăng dầu chưa được sửa đổi kịp thời. Dự thảo về kinh doanh xăng dầu "chưa động đúng chỗ", "chưa lắng nghe doanh nghiệp bán hàng trực tiếp"… Chính vì vậy, nếu rủi ro giá thế giới biến động, nguồn cung thiếu hụt, vấn đề cũ sẽ lặp lại.
Theo ông Giang Chấn Tây, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh cho biết tình trạng doanh nghiệp đầu mối vẫn chiết khấu thấp, thậm chí chỉ 100 đồng/lít xăng dầu, khiến doanh nghiệp bán lẻ không thể có lãi sau khi trừ các chi phí thuê nhân công, vận chuyển. Thậm chí nhiều đại lý nhỏ lẻ, vốn mỏng, mới thành lập đối diện với nguy cơ phá sản.
Trong cuộc trao đổi với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, ông Tây cho rằng, hiện các quy định của kinh doanh xăng dầu đang kìm kẹp doanh nghiệp bán lẻ bằng giá nào cũng phải bán xăng dầu, trong khi đó không bảo vệ quyền lợi đại lý bán lẻ, nơi cung cấp, phân phối xăng dầu trực tiếp cho khách hàng.
"Thực tế suốt thời gian dài vừa qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng nhưng các cửa hàng vẫn phải duy trì kinh doanh", ông Tây nói.
Đại diện doanh nghiệp bán lẻ phía Nam cho rằng, hiện nhà phân phối muốn cho chiết khấu bao nhiêu thì cho. Dù là 500 đồng, 200 đồng hay 100 đồng, hoặc thậm chí là 0 đồng nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận để có hàng. Thêm nữa là chúng tôi chỉ được lấy hàng từ một nguồn nên không được quyền thỏa thuận, ở vào thế rất bất lợi", ông Tây nói.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện doanh nghiệp xăng dầu phía Bắc cho biết, hiện cả nước có hơn 33 đầu mối xăng dầu, Bộ Công Thương đang giao quá nhiều quyền và cho họ điều tiết chuỗi phân phối và cung ứng xăng dầu. Trong khi đó, mức giá xăng dầu biến động trên thế giới đã khiến họ lỗ và từ đó chuyển lỗ sang vai của doanh nghiệp bán lẻ.
"Mức chiết khấu 0 đồng hoặc âm "là dị biệt" như các chuyên gia đã nói, nhưng khi doanh nghiệp bán lẻ chấp nhận chiết khấu vậy, lại không thể mua được xăng. Kinh doanh xăng dầu đang điều hành, vận động ngược cơ chế thị trường", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Về sửa đổi chính sách, Bộ Công Thương mới đưa dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên không đưa vào quy định cứng về tỷ lệ chiết khấu giữa doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối với các đại lý bán lẻ. Đồng thời không đề cập đến chuyện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mua từ 2-3 nguồn xăng dầu trở lên thay vì một nguồn duy nhất như hiện nay.
Theo ông Giang Chấn Tây, việc không giới hạn tỷ lệ chiết khấu tối thiểu và lý do được Bộ Công Thương đưa ra là chưa thuyết phục. "Doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền, để rồi họ muốn ban phát cho doanh nghiệp bán lẻ thế nào cũng được". Trong khi đó giải pháp chống độc quyền cung ứng là phải cho doanh nghiệp tiếp cận 2-3 nguồn xăng dầu đầu vào thay vì 1 nguồn không được Bộ Công Thương lắng nghe. Vì vậy, bài toán cũ cho năm mới vẫn không có lời giải.
Trong khi đó, theo GS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), phương án tối ưu hiện nay là phải tăng cường cơ chế thị trường trong quản lý và cung ứng xăng dầu. Nếu không cho doanh nghiệp tiếp cận đa dạng nguồn cung, cần phải sửa đổi thủ tục hành chính để doanh nghiệp rút chân và gia nhập chuỗi phân phối, cung ứng xăng dầu nhanh nhất có thể, thậm chí trong ngày, từ đó hạn chế độc quyền chuỗi, nhóm.
"Doanh nghiệp kêu chiết khấu đầu mối cho bán lẻ thấp! Rõ ràng chuỗi cung ứng cơ sở đang có vấn đề, phải giải quyết. Biện pháp là phải làm mới quản lý, phải xây dựng chính sách, cơ chế tự do rút khỏi chuỗi cung ứng, tự do gia nhập chuỗi cung ứng nhanh hơn, trong ngày hoặc tối đa 5 ngày làm việc, để hạn chế thiệt hại, hạn chế độc quyền. Nếu nhà nước nêu lý do khó kiểm soát tổng cung, phân giao khi vận hành cách này, thì nhà nước và các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, chuyển đổi để phù hợp, không thể lấy cái quản lý cũ để điều hành thị trường đang biến động hàng ngày, hàng giờ và kéo dài sự tác động ghê gớm lên nền kinh tế", ông Thịnh nói.
Ngoài vấn đề nội tại của chuỗi cung ứng đang không có giải pháp ổn thoả, việc "bung nở" đại lý xăng dầu, cấp phép số lượng lớn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong khi năng suất thấp, phần nào khiến chuỗi cung ứng cơ sở tồn tại nhiều vấn đề nan giải.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), hiện Việt Nam có khoảng 16.700 khối xăng dầu, chia bình quân chỉ khoảng 70 khối/tháng, các hệ thống lớn có thể bán được khoảng 120-150 khối/tháng, còn đại lý nhỏ có khi chỉ bán được vài chục khối/tháng.
Ông Bảo cho rằng, "so với các nước khác, khối lượng bán xăng dầu của họ trung bình là 300-380 khối/tháng, năng suất cao hơn rất nhiều", ông Bảo nêu.
Chủ tịch VINPA cho rằng, hệ thống xăng dầu cũng cần cạnh tranh, có thay đổi như các ngành kinh tế khác. Hiện nay, hệ thống này đang khá lớn, trong khi năng suất bán thấp, khiến nhiều đại lý vốn mỏng, lợi nhuận thấp khó khăn. "Việc gia nhập và rút lui của đại lý doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nên để cho thị trường điều tiết, khi cơ hội kinh doanh không tốt, họ sẽ tự cân đối và tái cơ cấu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.