Hiểu lịch sử qua cái cày, cái cuốc...

Chủ nhật, ngày 25/07/2010 08:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khảo cứu, suy ngẫm trong nhiều năm, chấp bút trong thời gian ngắn "như có người đọc cho viết", họa sĩ Phan Cẩm Thượng đang hoàn thành tập bản thảo cuốn sách "Văn minh vật chất của người Việt" để ra mắt trong thời gian tới.
Bình luận 0
 img
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

 Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đi thực tế ở Phù lãng.

Trò chuyện với PV NTNN về ý tưởng làm cuốn sách, hoạ sĩ cho biết: Trước đây tôi chỉ để ý đến di sản nghệ thuật - kiến trúc, điêu khắc, đồ ứng dụng tranh dân gian và viết nhiều về lĩnh vực này.

Nhiều nước rất chú trọng làm sách về đời sống thường ngày về xã hội tiền công nghiệp, nhưng ở ta hoàn toàn không, gần đây mới có vài cuốn sách về trang phục, gốm, kiến trúc, mà thực ra chỉ là một phần, những bề nổi của văn minh xưa. Đó là phần mà ta nên chú ý tới trước khi nó biến mất vĩnh viễn.

Nhưng rồi tôi nhận thấy đời sống nông nghiệp truyền thống và làng xã tan rã, canh tác nông nghiệp đã chuyển sang cơ giới hóa, nên những công cụ cổ truyền hầu hết không được sử dụng nữa. Đấy là một di sản lớn mà người ta lãng quên. Ý định của cuốn sách hình thành từ đó.

Phải chăng văn minh vật chất người Việt được sản sinh và vẫn đang tồn tại chủ yếu trong không gian nông thôn?

- Không phải bất cứ đồ vật nào cũng được coi là văn minh vật chất. Ví dụ cái rổ cái rá đan bằng tre là một trong những sản phẩm đặc trưng của nghề mây tre đan, cái cày là biểu hiện của văn minh lúa nước.

Nhưng cái rổ bằng nhựa, hay cái máy cày dù tiện dùng hơn, nhưng lại ít tính văn hóa hơn, và phải xét nó ở phương diện khác trong xã hội công nghiệp. Cơ cấu xã hội đã thay đổi hoàn toàn văn hóa truyền thống không sinh ra cái mới nữa, mà chỉ được khai thác lại. Đây là một vấn đề lớn - văn hóa hiện đại nông thôn không hình thành trong quá trình đô thị hóa.

img
 

Ngày hôm nay, đối diện những sản phẩm còn lại ấy, chúng ta có thể đọc ra những gì nhiều hơn giá trị sử dụng của chúng?

- Những sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp đang biến mất, dù chúng có lịch sử lâu dài hàng ngàn năm. Cảm nhận được từ những đồ vật cổ: cái cày, cái cuốc, món ăn, giống lúa, thuyền bè, ngựa xe... có thể thấy dân tộc đã sinh sống và phát triển thể nào trong lịch sử, bổ sung thêm những hiểu biết về quá khứ, thay cho sự nghèo nàn của môn lịch sử chủ yếu chỉ có chiến tranh. Có một “kho tàng” về văn hoá, lịch sử ở nông thôn mà không nhiều người biết.

Liệu người ta có thể làm gì để giữ lại ý nghĩa, bề dày văn hoá của những sản phẩm này hơn là nhìn chúng cứ mai một, vắng bóng dần?

- Vắng bóng và mai một các di sản vật chất thường ngày là tất nhiên, điều không chỉ ở nước ta mà ở mọi nền sản xuất nông nghiệp khi hiện đại hóa. Người ta rồi chỉ còn thấy cái cày, cái bừa, xe trâu, khung cửi, nong nia giần sàng, chum vại... trong các bảo tàng dân tộc, dần thấy nó biến mất ngay trước mắt mình. Đó cũng là những điều tôi đề cập trong cuốn sách của tôi.

img
 

Theo ông, có thể làm gì để giải quyết tình trạng này?

- Tôi nghĩ phải có những chương trình bảo tồn nghệ nhân, ví dụ những người dệt khung cửi truyền thống, người làm giấy dó thủ công, người nặn gốm bằng tay, thợ rèn dao, súng cổ... Hiện có một mâu thuẫn là sản phẩm của họ làm thì lâu và tốn kém, nhưng giá trị kinh tế lại rất thấp, trong khi phần đông các nghệ nhân và thợ thủ công này đã già.

Ở làng Bút Tháp có một cụ biết làm cái dại cửa rất khéo léo, năm nay đã gần tám mươi, tôi có mời cụ làm cho một bức thì cụ từ chối vì không đủ sức khỏe đan và chẻ tre nữa. Ở làng Chuyên Mỹ trước có một cụ làm cái thép sơn mài (giống như cái bút vẽ bẹt), cụ đã mất mà không ai làm được như vậy nữa. Tất cả những thợ nghề thủ công truyền thống khác đều ở bờ vực thẳm như vậy, trong khi các bảo tàng nói rằng để bảo tồn các di vật hết sức khó khăn, và chúng cũng không được tái tạo nữa.

Cuốn sách ông sắp ra, như nhiều cuốn khác đã có, và của những người khác nữa, có lẽ rất cần cho người nông dân - nhất là thế hệ nông dân mới - để họ hiểu thêm quá khứ và hiện tại của mình. Nhưng làm thế nào để mọi người có thể đón đọc một cách thoải mái?

- Tôi không nghĩ cuốn sách của tôi sẽ đến tay từng người nông dân. Người Việt mình rất ít đọc và rất ít khi mua sách, kể cả trí thức cũng thế. Viết thì cứ viết thôi. Tuy nhiên, khi viết xong tôi có đưa cho một số nông dân thực thụ đọc, họ nói rất cần có người viết lại như thế này.

Tôi từng thấy một chị nông dân đưa con gái đi Bảo tàng Dân tộc học và giới thiệu cái cối này trước của nhà ta, nhưng mẹ bán cho bảo tàng. Sự lưu luyến với nền văn minh truyền thống đang nằm trong tâm khảm của từng người thuộc thế hệ trước, từ khoảng 50 tuổi trở lên.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem