Kỳ Sơn là huyện trọng điểm được quy hoạch phát triển công nghiệp của Hòa Bình có khoảng 600ha đất bị thu hồi. Theo đó, có hàng trăm hộ mất đất sản xuất. Nhiều hộ mất tới 100% diện tích, nên huyện rất chú trọng đào tạo nghề cho người dân. Trong đó, hai đối tượng được quan tâm hàng đầu là những hộ mất đất và đồng bào DTTS vùng khó khăn.
|
Nghề làm chổi chít tạo việc làm cho hàng trăm ND mất đất ở Kỳ Sơn. |
Cùng doanh nghiệp dạy nghề
Tuy nhiên, dạy nghề gì và dạy như thế nào để sau khi học nghề người dân có thể sống được với nghề mới là quan trọng. Dựa trên những lợi thế của địa phương, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức dạy cho người dân hai nghề chính là làm chổi chít và tăm hương.
Năm 2010, huyện Kỳ Sơn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tỉnh mở được 10 lớp dạy hai nghề này cho 320 ND, trong đó đa số là người mất đất, đồng bào DTTS; đồng thời mở 2 lớp dạy sửa chữa máy nông nghiệp cho 80 lao động nông thôn. Đa số học viên sau khi học nghề đều sống được với nghề, nhiều người được nhận làm tại các doanh nghiệp với thu nhập từ 1,8 - 3 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Xuyên - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Kỳ Sơn cho hay: “Hiện, số người trong độ tuổi lao động của huyện là 18.800 người, trong đó khoảng 3.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề. Chúng tôi mượn trường học, cơ quan làm điểm dạy học mở. Gần đây, chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người dân theo hướng vừa học, vừa làm”.
Học xong có việc làm
Ông Nguyễn Đăng Dung - Chủ tịch UBND xã Mông Hóa chia sẻ: "Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của xã bị thu hồi rất lớn, song nhờ được học nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nên đời sống ND đã dần ổn định. Xã đang phối hợp với các doanh nghiệp liên kết 4 khâu trong đào tạo nghề: Đào tạo gắn với vùng nguyên liệu; đào tạo gắn với tìm việc làm; sản xuất gắn với tiêu thụ và sản phẩm hướng ra thị trường nước ngoài.
Bà Trương Thị Bình - Giám đốc Công ty Mai Bình chuyên làm chổi chít, tăm hương, một trong những doanh nghiệp đi đầu phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho biết: "Trước đây công ty chỉ nhận lao động truyền thống và gom nguyên liệu ở các địa phương nên rất bị động. Từ năm 2004 đến nay, công ty phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và Trung tâm Dạy nghề huyện Kỳ Sơn dạy nghề làm chổi và trồng cây chít cho ND, nhờ đó ND có việc làm, doanh nghiệp có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định”.
Huyện Kỳ Sơn hiện có 6 doanh nghiệp đang phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tỉnh đào tạo nghề làm chổi chít, mây tre đan, chế biến gỗ, chế biến nông sản sạch cho ND. Mỗi năm có khoảng 180 ND được đào tạo và đã có hơn 300 lao động vào làm trong các doanh nghiệp, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, Công ty Mai Bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 80-100 tấn nguyên liệu, tạo việc làm cho 80 - 90 lao động, với thu nhập từ 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm công ty đào tạo khoảng 50 - 60 lao động, sau khi học xong ai có nhu cầu, công ty sẽ nhận vào làm việc. Công ty còn nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho ND. Bà Bình cho biết, các mặt hàng chổi chít, mây tre đan, tăm hương phần lớn để xuất khẩu. Thị trường ổn định nên doanh thu tốt và nghề có điều kiện phát triển.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn xóm Dụ, xã Mông Hóa phấn khởi: "Gia đình tôi trước đây chỉ trông vào 3 sào ruộng. Từ khi học nghề làm chổi chít, mỗi tháng thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/lao động. Nghề này đỡ vất vả, đầu ra đã có công ty lo, nên chúng tôi rất yên tâm".
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.