Hiệu quả sử dụng ngân sách chưa cao: Quốc hội cũng phải liên đới trách nhiệm

Thứ bảy, ngày 02/11/2013 08:04 AM (GMT+7)
Sáng 1.11, trong ngày làm việc thứ 10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và các phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015.
Bình luận 0
Đánh giá vẫn sát thực tế?

Trong phiên thảo luận, ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã thu hút sự quan tâm tại nghị trường khi ông đặt vấn đề về vai trò của Quốc hội trong việc giám sát, thẩm định các chỉ tiêu, chương trình mà Chính phủ thực hiện.

Theo ĐB Quốc: “Chính phủ chỉ là người được giao chi tiêu theo luật và chịu sự giám sát của Quốc hội. Cho nên hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên phải thuộc về Quốc hội. Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác”.

Bộ trưởng Bộ KHĐT?Bùi Quang Vinh trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1.11.
Bộ trưởng Bộ KHĐT?Bùi Quang Vinh trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1.11.

“Còn Chính phủ thì chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Thực tế ở nước ta, mọi thất thoát lãng phí hay tham ô ngân sách chỉ dồn vào hết Chính phủ. Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp”- ĐB Quốc phân tích.

Cũng theo vị ĐB này, “Quốc hội phải liên đới trách nhiệm bởi chúng ta tin tưởng vào các bộ máy chuyên trách ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm định báo cáo và quyết định của Chính phủ”.

Được đề nghị trả lời các câu hỏi về độ chính xác của con số thống kê hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có phần giải trình.

Theo Bộ trưởng Vinh, “mục tiêu GDP năm nay là 5,4%. Nhiều đại biểu cho rằng chúng ta đang tô hồng quá, nhưng tôi xin khẳng định báo cáo hoàn toàn sát thực tế”. Tuy nhiên, “dự báo cho cả năm GDP đạt 5,4% và đến hết tháng 9 là 5,14% cao hơn một chút so với 2012 (5,1%), con số này còn khiêm tốn, để đạt được mục tiêu cả năm là một thách thức nếu không nỗ lực không đạt được mục tiêu đề ra”.

Bộ trưởng Vinh nêu, tăng trưởng điển hình của một số ngành như ngành chế biến chế tạo tăng 6,8% so với năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay tăng 14 – 15%… Nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi, dù ít và chưa bền vững, nhưng đó là tín hiệu tốt và bây giờ yếu tố niềm tin là quan trọng nhất để giúp chúng ta đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2013. Vì thế, ông?Vinh khẳng định:?“Các con số của chúng ta không tô hồng hay bôi đen”.

Được ưu tiên vẫn khó vay

Sau hàng loạt ý kiến của các ĐB trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng năm 2013, xử lý nợ xấu, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế..., báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng?Nhà nước (NHNN)?Nguyễn Văn Bình khẳng định có cơ sở để tin tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 11%, 12% năm nay. Bởi tăng trưởng tín dụng đến tháng 10 đã đạt 7,89%. Ngoài ra, theo ông?Bình, so với năm ngoái, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã khá hơn rất nhiều.

"Đề nghị Thống đốc nên "vi hành", tới những vùng sâu vùng xa, vùng núi cũng như đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ... nhằm tìm hiểu người dân đang vướng mắc ở đâu? Vì sao công chức không mua được nhà? Khó khăn ở đâu khi mà Thống đốc nói rằng trần lãi suất đã giảm rất tốt như vậy?”.
Đại biểu Bùi Thị An Hà Nội

Đề cập tới tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng: Thống đốc nói vậy nhưng tôi đã thử đóng vai người dân đi hỏi vay tiền, vẫn thấy khó lắm. Đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét làm sao để phát triển tín dụng nông thôn hơn nữa".

ĐB Phạm Minh Tấn (Đăk Lăk) nêu thực trạng: "NHNN đã có các chương trình tái canh cho cây cà phê nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay ở Đăk Lăk mới chỉ giải ngân được 100 tỷ đồng. Giờ rất cần chính sách để người trồng cà phê vay vốn. Như vậy họ có thể chờ cà phê được giá mới bán, tránh việc nhiều hộ phải bán cà phê non để lấy tiền tái đầu tư cho sản xuất".

Trả lời những băn khoăn các ĐB nêu ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Những năm qua, đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng cho nông nghiệp, nông thôn khá lớn. Từ khi Nghị định 41 có hiệu lực, tín dụng cho lĩnh vực này tăng trưởng gấp đôi. Riêng năm 2013, dù tăng trưởng tín dụng của toàn ngành còn ở mức khiêm tốn nhưng tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này đã tăng trên 15% và theo kế hoạch sẽ đạt từ 15-18%.

“Đặc biệt, nợ xấu trong lĩnh vực này cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Theo số liệu mà chúng tôi có được, hiện nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 4,64% nhưng nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ mức trên 3%”- Thống đốc chia sẻ.

Thống đốc Bình cũng cho biết, NHNN và các địa phương đang chuẩn bị sơ kết lại Nghị định 41 ở các địa phương. Dự kiến tháng 11 này sẽ sơ kết nhằm đánh giá những tồn tại và đưa ra hướng phát triển.

Phương Hà (Phương Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem