Hình tượng y khoa nào cho bác sĩ trẻ?

Chủ nhật, ngày 07/01/2018 06:01 AM (GMT+7)
“Tôi nghe nói y khoa trước đây có những bậc thầy đáng kính như GS Hồ Đắc Di, Trần Quang Đệ hay Phạm Biểu Tâm, nhưng sao y khoa ngày nay không thấy ai cả”, Kh. một bác sĩ thế hệ 8X đời cuối, nói.
Bình luận 0

Kh. cho biết những ngày bắt đầu học y khoa cô từng lý tưởng về ngành nghề rất nhiều, nhưng rồi càng học và đặc biệt sau khi ra trường làm việc, lý  tưởng nghề nghiệp ngày càng vỡ vụn.

img

Thiếu những hình mẫu nghề nghiệp, bác sĩ trẻ chỉ còn làm nghề đơn thuần là để kiếm tiền.

Trong một quán càphê của khu phố Tây balô quận 1 TP.HCM, bên tách trà nóng cuối năm dương lịch, Kh. chia sẻ: “Dù  giỏi chuyên môn, nhưng những người thầy hoặc đàn anh tôi từng nể phục không mẫu mực như tôi nghĩ. Người nói một đàng, làm một nẻo; người say mê quyền lực; người khác lại tham tiền, chặt chém bệnh nhân bằng mọi cách; có người lại thiếu trung thực và trách nhiệm trong công việc, hoặc thích đổ thừa cho đồng nghiệp…”.

Kh. hoang mang với con đường mình đã chọn, vì theo những gì cô nghĩ, y khoa phải là một nghề có nhiều thiên hướng, chứ không phải là công việc đơn thuần kiếm tiền như phần lớn ngành nghề khác trong xã hội.

Nhưng đâu chỉ Kh., một người lớn hơn cô như bác sĩ B., 38 tuổi, làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, cũng dao động về con đường mình đang đi. Anh nói: “Thời học y khoa tôi thấy chung quanh mọi chuyện thật đẹp, nhưng khi ra trường tôi mới nhận ra không ít người thầy và đàn anh mà tôi tôn kính đều ‘say tiền’. Họ hù doạ bệnh tật để bệnh nhân nghe theo mà bỏ tiền ra chữa trị. Có những bệnh cho uống thuốc cũng được, nhưng họ nói quá để bệnh nhân phải mổ, từ đó mới moi tiền bệnh nhân được. Với người bệnh như thế, còn với đồng nghiệp họ thường chê bai hoặc không nhận trách nhiệm khi có sự cố, dù họ can dự ít nhiều vào sai sót”.

Hình ảnh này khá xa lạ với hình ảnh của những người thầy y khoa trước nay. Trong cuốn Y học và đào tạo trong ngành y (Nguyễn Duy Phong, NXB Y Học, 2012), cố PGS.BS Nguyễn Văn Truyền, nguyên phó giám đốc trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, tiền thân của đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kể về người thầy – GS Trần Quang Đệ: “Mỗi cuối tuần thầy họp cộng sự viên ngoại khoa lại với nhau để duyệt xét chương trình giải phẫu cho tuần tới. Thỉnh thoảng thầy lặp đi, lặp lại ý nghĩa của bổng  và lộc trong nghề y cho học trò mình nghe. Thầy nói: Trong xã hội, nghề nào cũng có đạo lý của nghề đó. Mục đích của nghề y là ‘hành đạo’, cho nên cái lộc tự nhiên đã có sẵn trong nghề mình rồi. Người thầy thuốc phải làm theo tâm niệm hết lòng vì kẻ đau khổ, không cần đòi hỏi lộc, tự nó sẽ đến”.

Cũng trong cuốn sách này, khi nhớ lại thầy Phạm Biểu Tâm, BS Truyền viết: “Trong thời gian dài học tập ở trường, tôi chỉ  gặp thầy một vài lần… Thầy không có phòng mạch tư, nên dành tất cả thời gian cho công việc. Buổi sáng sớm thầy đến trường làm việc, đến 9 giờ rưỡi thầy đến bệnh viện dạy thực hành hoặc mổ đến 1, 2 giờ chiều rồi thầy về trường hoặc lên lớp dạy lý thuyết. Thầy không kể ngày đêm, giờ giấc, tận tuỵ với bệnh nhân, với đàn em, với học trò bằng cả tấm lòng”.

Mỗi thời đại mỗi khác, khó so sánh được, nhưng dù gì người trẻ vẫn cần một hình mẫu để phấn đấu, mà hình mẫu này trong ngành y đang trở nên ít đi.

Cuối tháng 11.2017, giới y khoa xôn xao khi báo chí thông tin một bác sĩ tên tuổi ở TP.HCM công khai chỉ trích đồng nghiệp của các bệnh viện khác trong một hội thảo khoa học khi cho rằng họ chẩn đoán thiếu sót, khiến bệnh nhân ung thư rơi vào giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến việc điều trị và tiên lượng sống của bệnh nhân. Đáng nói, vị bác sĩ này có học hàm, học vị khá cao và đang giảng dạy cho một trường y khoa.

Bình luận chuyện này, một vài người cho rằng đây là cách hành xử xa lạ trong y khoa, đó là tinh thần tôn trọng đồng nghiệp, xem trọng đàn anh, nâng đỡ đàn em ngay cả khi họ sai sót. Khi sinh thời, GS Hồ Đắc Di luôn nhắc nhở học trò tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông: “Đối với đồng nghiệp, người thầy thuốc phải luôn duy trì mối giao hảo và tinh thần tương trợ. Biển học là mênh mông, sự hiểu biết của ta chưa thấm vào đâu so với những điều cần phải biết”.

Theo một phẫu thuật viên tim mạch tên tuổi, thật sự là nguy hiểm khi bác sĩ trẻ đánh mất cảm hứng và lý tưởng nghề nghiệp, trong đó một phần nhận được từ người đi trước. Ông nói: “Khi đó bác sĩ trẻ sẽ ngại cực khổ, hy sinh, không còn tận tuỵ với bệnh nhân và chỉ còn hành nghề đơn thuần là để kiếm tiền”.        

An Lành (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem