"Hộ chiếu xanh" cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Tường Thụy Thứ hai, ngày 21/10/2024 10:00 AM (GMT+7)
Theo EuroCham, một trong những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện càng sớm càng tốt trong bối cảnh các tiêu chuẩn xanh đang khắt khe hơn, là tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc bền vững ngay từ đầu để tạo "hộ chiếu xanh" cho sản phẩm xuất khẩu.
Bình luận 0

Sáng 21/10, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas vừa khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 do Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP.HCM, từ ngày 21 - 23/10.

Diễn đàn kinh tế xanh GEFE giúp doanh nghiệp Việt Nam rộng đường hơn với châu Âu ra sao? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas. Ảnh TL

Theo lịch trình, Phó Chủ tịch EC cũng sẽ có các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và bộ, ngành Việt Nam trong chuyến công tác, trong bối cảnh Liên minh Châu Âu EU và Việt Nam bắt đầu khởi động quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU.

Chuyển đổi xanh là chuyện sống còn của doanh nghiệp

Thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường quốc tế khác ngày càng khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn xanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn hơn bên cạnh các cơ hội. Vì vậy, sự kiện GEFE năm nay tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, bên cạnh nhiều phiên thảo luận quốc tế về những vấn đề phát triển bền vững và kinh tế xanh.

Diễn đàn kinh tế xanh GEFE giúp doanh nghiệp Việt Nam rộng đường hơn với châu Âu ra sao? - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas (thứ ba từ phải qua) và các đại biểu cắt băng khai mạc GEFE 2024 tại TP.HCM sáng 21/10/2024. Ảnh: Tường Thụy

Theo EuroCham, đơn vị tổ chức sự kiện vì kinh tế xanh này, một trong những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện càng sớm càng tốt trong bối cảnh các tiêu chuẩn xanh đang khắt khe hơn, là tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc bền vững ngay từ đầu để tạo "hộ chiếu xanh" cho sản phẩm xuất khẩu. Bởi vì điều này sẽ đáp ứng yêu cầu từ thị trường quốc tế như quy định truy xuất nguồn gốc của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với hàng xuất khẩu sang EU; hay tiêu chuẩn toàn cầu Global G.A.P yêu cầu nông sản đạt tiêu chí bền vững từ canh tác đến thu hoạch.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích hợp kiểm kê khí thải carbon (quốc tế có thuật ngữ chung là khí nhà kính GHG) vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Việc thống kê liên quan đến GHG đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu Net Zero (trung hòa carbon) vào năm 2050, và nhiều nước khác trên thế giới cũng đang hướng tới mục tiêu tương tự.

Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) do Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng chủ trì, tổ chức nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy đầu tư, hợp tác thương mại giữa châu Âu và Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiết thực trong tiến trình thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia Việt Nam về tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam như EU, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra hàng loạt đòi hỏi về chứng chỉ xanh của ngành dệt may. Tiêu chuẩn xanh là khâu đầu tiên trong chuỗi dệt may và có đến 86 chỉ tiêu đánh giá để một đơn hàng.

Chẳng hạn, các nhãn hàng quốc tế lớn yêu cầu nhà cung cấp chấm dứt việc đốt nồi hơi trong ngành dệt may bằng than hay củi mà phải dùng nồi hơi điện; việc thay thế này làm tăng chi phí thêm 15%. Nhưng đây chỉ là một trong số nhiều yêu cầu về chuyển đổi xanh.

Năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) cũng là một yêu cầu trong kinh tế xanh.

Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng HDBank, các công ty xuất khẩu ngành da giày khi muốn tiếp cận nguồn tài chính xanh từ các ngân hàng hay định chế tài chính thì phải có hồ sơ chứng minh có sử dụng điện mặt trời mái nhà.

EuroCham cho biết GEFE 2024 sẽ gồm hơn 30 phiên thảo luận trải dài trên 10 chuyên đề kinh tế xanh để bàn về những chủ đề xanh mới nổi tại Việt Nam và cách tiếp cận chính sách và tiêu chuẩn từ thị trường EU.

Tiếp tục kiến tạo tương lai xanh

Những điểm mới của GEFE 2024 bao gồm việc Vương quốc Anh và Thụy Sĩ lần đầu tiên tham dự GEFE trong năm nay sau 2 lần diễn đàn được tổ chức năm 2022 và 2023. Cả 2 nước đều là những quốc gia hàng đầu châu Âu về kinh tế xanh và chuyển đổi xanh.

Diễn đàn kinh tế xanh GEFE giúp doanh nghiệp Việt Nam rộng đường hơn với châu Âu ra sao? - Ảnh 3.

Gian hàng Thụy Sĩ tại GEFE 2024. Đại sứ Thụy Sĩ Thomas Gass đứng ngoài cùng bên phải. Ảnh: Tường Thụy

Phát biểu tại GEFE 2024, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass chia sẻ: "Chúng tôi tự hào sát cánh cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo tính bao trùm và bảo vệ môi trường. Thông qua các đối tác triển khai dự án nhiều kinh nghiệm như Tổ chức Helvetas và Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, cam kết lâu dài của Thụy Sĩ với Việt Nam phản ánh tầm nhìn chung của chúng ta về một tương lai xanh hơn, tự cường và bền vững hơn".

Tại Gian hàng Thụy Sĩ – Swiss Pavilion, 8 công ty hàng đầu của Thụy Sỹ đang giới thiệu chi tiết về các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sản xuất, cũng như quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Những công ty này gồm Nestlé, Buhler, G8A Architects, GE Vernova, Helvetas, SIKA, staBOO, và VSL. Trong đó, Nestlé là một tập đoàn dinh dưỡng và thực phẩm hàng đầu thế giới. Công ty Nestlé Việt Nam đã dẫn đầu top 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam trong 3 năm liên tiếp từ 2021 đến 2023.

Diễn đàn kinh tế xanh GEFE giúp doanh nghiệp Việt Nam rộng đường hơn với châu Âu ra sao? - Ảnh 4.

CEO tập đoàn Nestlé ông Mark Schneider (người đeo kính) công bố khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam tháng 6/2023. Nguồn: Nestlé

Đại sứ Thụy Sỹ Thomas Gass cũng khẳng định, Thụy Sỹ được biết đến là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo. Những gian hàng quốc gia lớn nhất năm nay tiếp tục là Gian hàng Hà Lan – Netherlands Pavilion, với tổng cộng hơn 50 công ty chuyên về quản lý nước, kinh tế tuần hoàn, logistics, nông nghiệp... Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hà Lan giữ kỷ lục này.

Hà Lan được biết đến là đất nước tiên phong trong chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, công nghệ xanh và năng lượng tái tạo sẽ có mặt tại Gian hàng Hà Lan bên cạnh nông nghiệp bền vững (đại diện tiêu biểu là tập đoàn De Heus) và lĩnh vực tài chính - ngân hàng với các đại diện như ING, Rabobank (ngân hàng lớn thứ hai tại Hà Lan xét về tổng tài sản), FMO (Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan).

Tháng 3 vừa qua, FMO đã khởi động gói tín dụng trị giá 90 triệu USD từ FMO cấp cho Tập đoàn Lộc Trời (LTG) nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững.

Danh sách hơn 50 công ty Hà Lan cũng bao gồm Heineken, một trong những tên tuổi bia hàng đầu thế giới. Trên thị trường Việt Nam, công ty Heineken Việt Nam đang dẫn đầu về thị phần.

KPMG cũng tham gia gian hàng với màu da cam làm chủ đạo. Đây là một trong 4 tập đoàn kế toán, kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp lớn nhất thế giới, và nhóm này được gọi là Big 4. Ba tập đoàn kia là PwC, Deloitte và EY.

"Hơn 50 công ty Hà Lan này đang tìm kiếm các đối tác Việt Nam để cùng nhau tạo ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu cụ thể của Việt Nam. Dù là lĩnh vực quản lý nước, nông nghiệp hay năng lượng, tôi tin rằng hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xanh của cả 2 nước", Đại sứ Hà Lan Kees van Baar cho biết.

Tổng cộng có hơn 200 gian hàng triển lãm tại GEFE 2024 ở TP.HCM trong 3 ngày diễn ra sự kiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem