Đèo Ba Dội mà Lê Quý Đôn tả khó trèo, nơi cho là Mẫu Liễu Hạnh hiển linh nay ở đâu của Thanh Hóa?

Văn Tước (Cổng TTĐT TX Bỉm Sơn) Thứ tư, ngày 15/03/2023 14:59 PM (GMT+7)
Đèo Ba Dội là một địa danh nằm trong vùng nhất bách lục sơn tức là 106 quả núi điệp trùng, nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Từ trước thập niên đầu của thế kỷ XX, con đường thiên lý từ Bắc vào Nam qua đoạn đèo Ba Dội không phải là con đường quốc lộ đi qua Dốc Xây hiện nay.

Khi xưa, đèo Ba Dội chạy vòng qua thung lũng ở phía Đông dãy núi Dốc Xây và phải trèo qua 3 ngọn đèo mà bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã tả: “Một đèo, một đèo lại một đèo...”.

Đèo Ba Dội mà Lê Quý Đôn tả khó trèo, nơi cho là Mẫu Liễu Hạnh hiển linh nay ở đâu của Thanh Hóa? - Ảnh 1.

Thủa xa xưa, con đường thiên lý Bắc-Nam qua đèo Ba Dội giáp danh giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa được xem là khó khăn, vất vả, tốn thời gian nhất. Ảnh: Tư liệu.

Vì vậy đèo có tên là đèo Ba Dội, viết theo chữ Hán là Tam Điệp. Theo Thượng Kinh ký sự của Lê Quý Đôn thì thời gian để trèo đèo Ba Dội là phải: “Bắt đầu trèo từ lúc gà gáy tàn canh mãi cho đến khi mặt trời lặn mới xuống đến khỏi núi”.

Đoạn đường thiên lý đi qua đèo Ba Dội hiểm trở, có dạng thắt cổ bầu, uốn lượn, len lỏi qua những khe núi vách đá dựng đứng là một địa thế chiến lược vô cùng lợi hại, đó chính là phòng tuyến Ba Dội.

Cách đây 230 năm (1789) khi 29 vạn quân Thanh ồ ạt tràn vào phía Bắc nước ta, các tướng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm theo lệnh của Quang Trung Nguyễn Huệ đã lui quân về giữ lấy phòng tuyến để vừa khống chế đường liên lạc Bắc - Nam, vừa liên hệ hai đường thủy bộ qua cửa Thần Phù - Biện Sơn để đợi đại quân của Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra khơi chiến. 

Ngày 25/1/1789, sau khi mở tiệc khao binh sỹ, Nguyễn Huệ cùng quân Tây Sơn thần tốc tiến thẳng ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử thống nhất sơn hà, lập lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc.

Từ tuyến phòng thủ Ba Dội đi về phía huyện Hà Trung rẽ hướng Tây sẽ gặp bến quân là nơi Quang Trung Nguyễn Huệ đã tập hợp quân sỹ để bàn kế phá giặc, xuôi phía Đông đến xã Hà Lan, xưa là phủ Điền Đoài, còn có tên Kẻ Gạo (nay là Làng Gạo) là nơi đặt kho lương của nghĩa quân Tây Sơn. 

Ở Bỉm Sơn còn có các di tích Đồi Ông, Gò Bia, Gò Cấm Quân là nơi đóng quân và tập luyện quân sỹ, có Thung Voi, nơi đồn trú của đội voi chiến, có Khe Phượng là bến tắm của quân sỹ sau khi tập luyện. 

Dưới chân đèo thứ nhất của đèo Ba Dội từ phía Hà Trung đi ra Bắc có đền Sùng Trân tức đền Sòng Sơn hay đền Sùng Sơn được dựng vào thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) để thờ nữ thần Vân Hương tức Liễu Hạnh công chúa. 

Công chúa Liễu Hạnh là tiên nữ Quỳnh Hương trên trời, do làm vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian đầu thai vào nhà Lê Thái Công ở thôn Văn Cát, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định. 

Ở cõi trần, Liễu Hạnh kết duyên cùng Đào Long sinh được một trai, một gái. Hết hạn ở trần, nàng về trời khi mới 21 tuổi. Quyến luyến trần gian, nàng thường xuyên hiện về thăm chồng con. 

Nàng thường xuất hiện trên các nẻo đường dốc đèo Ba Dội. Lúc là cô bán hàng trên đỉnh đèo xướng họa thơ văn cùng khách văn thơ, lúc là khách bộ hành trên dốc đèo heo hút. Để vừa giúp đỡ khách đi đường có hoàn cảnh gieo neo vất vả, vừa trừng phạt những kẻ phàm phu tục tử, háo sắc.

Hằng năm, vào dịp tháng 2 âm lịch, thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) lại tổ chức lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội, trong đó có lễ rước bóng Mẫu Liễu Hạnh từ đền Sòng Sơn lên đèo Ba Dội. 

Đời vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) niên hiệu Cảnh Trị, nhà vua đã cầm quân tiễu trừ quân giặc, khi qua đền Sòng, nhà vua đã thắp hương cầu xin được phù hộ. Quả nhiên lần ấy vua thắng giặc. 

Khi trở về vua đã sắc phong cho Liễu Hạnh công chúa là “Hộ quốc binh nhung”. 

Đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) chúa Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm cũng đã từng đến đền Sòng Sơn cầu xin cho Tuyên phi Đặng Thị Huệ sinh con trai nối nghiệp chúa. Liễu Hạnh công chúa đã được nhân dân liệt vào một trong Tứ bất tử.

Đèo Ba Dội có độ cao hơn 110m so với mặt nước biển, trên đỉnh đèo có tấm bia đá khắc bài thơ của vua Thiệu Trị khi đi kinh lý qua đây (1842) và đắm say với cảnh đẹp kỳ thú này. Nội dung bài thơ đó như sau:

“Giữa lối xanh um núi chất chồng

Tâng tầng phóng bước cõi Cầu Long

Chẵng như Vương ốc chừa lối tắt

Còn giống La Phù biệt lối thông

Đón gặp thần xa xuôi một ngọn

Vươn cao trùng điệp biết bao vòng

Thanh, Ninh hai trấn đây ranh giới

Đức diệu kỳ quan lượn khắp vòng”.

Cũng nơi đây, hơn hai trăm năm trước nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã từng đến và để lại bài thơ độc đáo: Bài thơi “Đèo Ba Dội”:

Một đèo một đèo lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Bậc đá xanh rì lún phún rêu

Léo lắt cành thông cơn gió thốc

Đầm đìa lá liễu giọt thông gieo

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chùn chân vẫn muốn trèo.

Từ đèo Ba Dội du khách có thể quan sát được thành phố Tam Điệp và khu Công nghiệp Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) khởi sắc cùng với Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nơi có 2 Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Long Sơn có công suất 9 triệu tấn/năm, với trữ lượng gần 20 tỷ tấn đá vôi làm nguyên liệu bao gồm sa thạch và đá phiến sét cùng những chất phụ gia khác.

Bỉm Sơn có các nhà máy ;à một trong những cơ sở sản xuất xi măng lớn nhất trong cả nước, 3 nhà máy gạch tuynen sản xuất trên 200 triệu viên/ năm, và nhiều doanh nghiệp đá, vôi cùng các loại vật liệu khác, đảm bảo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu và công tác bảo vệ môi trường chung.

Thị xã Bỉm Sơn có tất cả 9 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh gồm: Đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, động Cửa Buồng, Đền Cây Vải, Đồi Ông Đùng, Đình Làng Gạo, đường Thiên lý, Nhà Bia đèo Ba Dội, Hồ Cánh Chim, Đền Bát Hải Long Vương, khu mộ cổ Trạch Lâm, đền thờ tướng quân Nguyễn Thiện, đền Đặng Quang, động Từ Thức, chùa Khánh Quang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem