Cách đây 2 năm, trong lúc ăn cháo gà, bà N.T.T (62 tuổi, ngụ TP.HCM) có cảm giác vướng ở cổ nhưng sau đó nhanh chóng bỏ qua. Khoảng 3 tháng sau, bà T bắt đầu ho nhiều, không tím tái, không khó thở. Đi khám tại bệnh viện nhưng bác sĩ không phát hiện ra vấn đề gì đặc biệt, dù uống thuốc nhưng những cơn ho vẫn tái diễn.
Bệnh nhân sau đó tiếp tục đi khám tại nhiều bệnh viện, được chẩn đoán, điều trị theo dõi trào ngược dạ dày thực quản, hen phế quản. Mặc dù đã uống rất nhiều loại thuốc nhưng tình trạng bệnh vẫn không hết, tái phát nhiều lần. "Gần đây thì ho nhiều, có lúc ho rất dữ dội, tưởng chết, không có cách nào để ngừng lại được", bà T cho hay.
Đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc dị vật. Kết quả CT Scan sau đó phát hiện có một dị vật ở phế quản gốc trái, các bác sĩ đã nội soi lấy ra dị vật là mảnh xương có kích thước 1-1,5cm.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, dị vật đường thở là một cấp cứu trong tai mũi họng, khi phát hiện phải lấy ngay lập tức. Chẩn đoán lâm sàng dị vật đường thở, nhất là dị vật phế quản có thể khó khăn. Khi bệnh nhân có nghi ngờ liên quan đến dị vật, hoặc khi có hội chứng xâm nhập, do nhiều, viêm đường hô hấp tái đi tái lại, bệnh nhân phải đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được truy tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, bệnh viện đã phát hiện và điều trị thành công 22 trường hợp dị vật bỏ quên, dù trước đó, bệnh nhân đã khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra.
TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết dị vật đường thở bỏ quên trên 30 ngày thì tỷ lệ biến chứng về phổi lên tới trên 95%. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.