Cuối tuần qua, tại Điện Biên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chính sách hỗ trợ học tập đối với bậc học mầm non, học sinh tiểu học, phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và học sinh các dân tộc đặc biệt ít người”.
Theo báo cáo tại hội thảo, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các đối tượng học sinh vùng dân tộc miền núi trên cả nước, trong đó có học sinh các dân tộc ít người ở các khu vực nói trên, đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ học tập như hỗ trợ từ 70.000 – 120.000 đồng/tháng cho học sinh mẫu giáo; học bổng cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), dự bị đại học, học sinh DTTS nghèo ở tất cả các cấp học; trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng đặc biệt khó khăn; miễn học phí cho học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên của 9 dân tộc rất ít người... Nhưng trên thực tế, mô hình các trường PTDTNT hiện nay phát triển không đồng đều giữa các địa phương, chất lượng giáo dục của một số trường còn thấp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo báo cáo, trong tổng số 241 trường PTDTNT cấp huyện, chỉ có 28 trường liên cấp THCS và THPT, do đó nhiều học sinh ở huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn sau khi học xong THCS trường nội trú huyện không có điều kiện tiếp tục học lên THPT vì trường tỉnh quá xa nhà. Mặt khác, do thiếu liên cấp THPT nên số học sinh phải trở về quê còn khá cao, khoảng 38,6%. Việc xét tuyển và tổ chức lớp học ở các trường dự bị đại học còn khó khăn; nhiều học sinh tốt nghiệp hệ cử tuyển trở về địa phương chưa được bố trí công tác... Ngoài ra, các chính sách trong đó điển hình là Quyết định 85/2010 quy định mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người DTTS với mức bằng 40% mức lương tối thiểu (420.000 đồng/tháng), bình quân 14.000 đồng/ngày/học sinh là quá thấp. Còn có sự bất bình đẳng như cùng là đối tượng DTTS nhưng số học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ hệ chính quy lại không được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi như học sinh hệ cử tuyển... Nếu giải quyết được những hạn chế này thì các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng DTMN mới thực sự phát huy hiệu quả.
Một số đại biểu kiến nghị, cần điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho học sinh các trường PTDTBT và học sinh bán trú từ 40-60% mức lương tối thiểu, điều chỉnh khoảng cách tối thiểu từ nhà đến trường đối với học sinh các cấp, tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bếp ăn, nhà ở, nước sạch tại các trường có học sinh bán trú; điều chỉnh đối tượng được hưởng chính sách áp dụng cho tất cả học sinh và sinh viên là thành viên dân tộc ít người.
Đoàn Lê (Đoàn Lê)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.