Hỗ trợ nông dân trong bối cảnh lạm phát: Chậm và thiếu sát thực

Thứ hai, ngày 25/07/2011 17:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đời sống nông dân trong bối cảnh lạm phát đang hết sức khó khăn. Trong khi đó, chủ trương hỗ trợ cho nông dân chưa sát thực... Ông Nguyễn Văn Phụng - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đánh giá như vậy.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến cho rằng, khi giá cả tiêu dùng gia tăng, người nông dân sẽ bán được hàng hóa nông sản với giá cao, đời sống ổn định. Thực tế có diễn ra như vậy không, thưa ông?

- Qua tìm hiểu đời sống và tâm tư của người nông dân, đúng là lạm phát cũng tạo điều kiện cho người nông dân bán hàng hóa nông sản giá cao hơn. Nhưng thực tế, nông dân không hề phấn khởi vì đầu ra cao nhưng giá nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu… cũng đang rất cao. Hơn nữa, tuy đầu ra có cao nhưng lại không ổn định; nếu nông sản bị ứ lại, không tiêu thụ, rớt giá thì với vốn đầu tư lớn hơn trước, người nông dân lại bị thua lỗ nhiều hơn.

img
Phải qua nhiều khâu trung gian nên sản phẩm của người nông dân có giá cao nhưng họ không được hưởng lợi nhiều nhất.

Ví dụ, thịt heo hiện nay có giá lên đến hơn 60.000 đồng/kg. Nhưng tôi hỏi nông dân thì họ nói không muốn nuôi heo vì giá đầu vào cao, nuôi sợ bị lỗ. Người nông dân đang sản xuất ở một chừng mực nào đó chứ không quyết liệt như trước đây nữa. Hơn nữa, việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp cần một thời gian dài, rau cũng 1 - 2 tháng mới được bán; heo là 4 tháng, còn bò sữa cũng phải 1 năm… Liệu khi làm ra sản phẩm, giá cả có giữ được như vậy nữa hay không. Đó là chưa kể đến rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn.

img
Ông Nguyễn Văn Phụng

Lạm phát có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực, nhưng tiêu cực là nhiêu hơn. Nói rộng ra, lạm phát ảnh hưởng lớn đến người dân thôn quê. Người nông dân sản xuất được ít hàng hóa, nhưng lại chịu ảnh hưởng chung của lạm phát; rồi phải mua các hàng hóa khác với giá cao, đắt đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng lớn nhất đến nông dân nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Lâu nay, vẫn có tình trạng thương lái ép giá, lấy đi phần lớn công sức lao động của nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, hiện tượng đó có xảy ra mạnh hơn không?

- Thời gian qua, Chính phủ đưa ra chủ trương giúp nông dân tiêu thụ nông sản đảm bảo lãi 30%. Tuy nhiên, hầu hết nông dân không thể bán trực tiếp cho siêu thị hay doanh nghiệp được mà phải qua nhiều khâu trung gian, nhiều thương lái. Điều này làm giá thành nông sản bị đẩy lên cao nhưng người nông dân không có lãi lớn.

Thí dụ, 1kg dưa leo, nông dân bán cho lái buôn 2.000 đồng/kg; còn thương lái bán ra 4.000 đồng/kg; thương lái không sản xuất nhưng họ đang lấy phần lãi quá lớn. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thương lái bán giá cao, người tiêu dùng mua ít thì lại ảnh hưởng đến quy mô sản xuất của nông dân.

Chính phủ cũng liên tục đưa ra những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, trong đó có nông dân, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những chính sách này.

- Hiện Nhà nước đang thực hiện chủ trương bình ổn giá. Việc này được người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, nông dân cho rằng, chính sách này chưa được đến nhiều với người nông dân vì bình ổn chủ yếu ở vùng đô thị. Nhưng điều đáng chú ý là, các sản phẩm được bình ổn giá là các sản phẩm tiêu dùng; còn nguyên vật liệu, thức ăn, con giống phục vụ sản xuất nông nghiệp không thuộc diện bình ổn.

Nếu bình ổn được giá phân bón, thuốc trừ sâu và con giống... thì người nông dân sản xuất ra hàng hóa nông sản có giá thấp, bán ra giá cũng thấp. Đó là cách giải quyết vấn đề từ gốc. Còn không hỗ trợ nguyên vật liệu đầu vào, giá thành sản xuất vẫn cao thì người tiêu dùng cũng mua hàng hóa nông sản ít đi, gây khó khăn cho nông dân và cả người tiêu dùng.

Thậm chí, hiện nay các mặt hàng được bình ổn giá là các mặt hàng như, gạo, đường, thịt cá… đều là mặt hàng do nông dân góp phần sản xuất. Như vậy bình ổn giá có nhược điểm là hạn chế giá thành và năng suất chăn nuôi, trồng trọt của người nông dân. Thực tế, nông dân mong muốn được bình ổn giá nguyên liệu đầu vào nhất; điều này có lợi cho nông dân và sâu xa là cả người tiêu dùng.

Năm 2008, 2009, tình hình kinh tế, đời sống nông dân cũng khó khăn như hiện nay, Chính phủ đã đưa ra những chính sách như cho nông dân vay với lãi suất thấp, hỗ trợ tiền xăng dầu, hỗ trợ mua máy móc. Vậy thời điểm này có cần những chính sách như vậy không thưa ông?

- Hỗ trợ bù lãi suất là một giải pháp quan trọng giúp cho nông dân, nên được duy trì. Tuy nhiên, chính sách này cần phải cụ thể hóa hơn nữa. Thực tế cho thấy chỉ có chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp dễ tiếp cận với chính sách này, còn nông dân làm ăn nhỏ lẻ thì rất khó tiếp cận vì thủ tục quá phức tạp. Vì thế, chính sách hỗ trợ này cần cụ thể, và dễ thực hiện hơn. Các giải pháp về hỗ trợ xăng dầu, mua máy nông nghiệp… cũng nên được triển khai cũng rất cần thiết cho các vùng sản xuất nông nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Nông dân hiện nay cũng khó khăn không kém gì công nhân. Các chính sách an sinh xã hội rất cần. Những việc như xây nhà cho người nghèo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ con em nông dân học hành… sẽ giúp nông dân giảm bớt áp lực về lạm phát. Ở TP.Hồ Chí Minh, Hội Nông dân huy động các doanh nghiệp xây nhà cho hội viên nghèo, tặng bình nước, tặng thẻ bảo hiểm y tế… Những cái đó, nông dân cảm thấy được động viên rất nhiều.

Chính phủ cũng đã và đang làm quyết liệt. Nhưng các ngành chuyên môn phải bắt tay vào việc, phải xốc vào thì các chủ trương mới về tới nông dân được. Nếu làm chậm quá đến được người nông dân thì họ không cần nữa.

Các doanh nghiệp có thể làm gì để thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ nông dân trong giai đoạn này?

- Doanh nghiệp lúc này hãy đóng vai trò như những Mạnh Thường Quân giúp đỡ nông dân. Việc các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tốt nhất là hãy đi sâu xuống cơ sở để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, cây con giống...

Theo ông, bản thân nông dân cần phải làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

- Thực tế trong những thời điểm kinh tế khó khăn vừa qua, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực trụ lại được và tốt hơn; nông dân chúng ta chủ yếu đã phải tự “bơi”. Nhưng muốn trụ tốt hơn nữa thì nông dân phải áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm những chi phí không cần thiết, giảm giá thành nông sản. Một điều rất quan trọng cần áp dụng trong thời điểm hiện nay và lâu dài là nông dân cần liên kết trong sản xuất, sản xuất mang tính chất liên vùng để có số lượng sản phẩm lớn, xây dựng thương hiệu, bán hàng theo hợp đồng. Như vậy, người nông dân mới có lãi, có tiếng nói được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem