Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế: “Bất ngờ” với đề xuất 843.845 tỷ đồng

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 05/12/2021 11:29 AM (GMT+7)
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng 5/12, hàng loạt đề xuất về quy mô gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Trong đó, có đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hơn 840.000 tỷ đồng
Bình luận 0

Kiến nghị triển khai gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lên tới 660.000 tỷ đồng

Trong tham luận tại Diễn đàn, Viện hàn lâm Khoa học xã hội đề nghị triển khai kịp thời và hiệu quả tổng gói cứu trợ nền kinh tế trong năm 2022-2023 khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.

Trong đó, theo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ưu tiên hàng đầu trong các gói hỗ trợ do Viện này đề xuất là phải đảm bảo nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc với 76.000 tỷ đồng. Bởi trong 2 năm qua, dịch bệnh đã khiến cho hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề cả về nhân lực và vật lực, trong khi đại dịch trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp.

Khoản mục

Số tiền (tỷ đồng)

Gói hỗ trợ hệ thống y tế

76.000

Gói củng cố hệ thống an sinh xã hội

58.000

Gói hỗ trợ doanh nghiệp

244.000

Gói đầu tư công

288.000

Tổng cộng

666.000

( Dự kiến quy mô gói hỗ trợ kinh tế giai đoạn 2022-2023. Nguồn: Viện hàn lâm Khoa học xã hội)

Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho hệ thống y tế, giải pháp tiếp theo là phải tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, mức kinh phí cần chi ra vào khoảng 58.000 tỷ đồng để hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất bởi đại dịch – theo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, theo đề xuất của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, quy mô lên tới 244.000 tỷ đồng.

Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10/2021, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm 27 nghìn tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Như vậy, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122 nghìn tỷ đồng. Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì được mức này trong 2 năm 2022-2023. Lộ trình giải ngân 122 nghìn tỷ đồng/năm trong 2 năm 2022-2023, tổng gói hỗ trợ là 244 nghìn tỷ đồng.

Thêm vào đó, cần phải sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết. Lãi suất của Việt Nam mặc dù đã được hạ thấp so với năm 2020 nhưng hiện vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá vốn vì thế là đang cao trong khi các doanh nghiệp lại cần vốn như là cần tiếp thêm máu để cầm cự, tồn tại và phát triển. Nếu không giảm mặt bằng lãi suất thì chỉ có khu vực tài chính, ngân hàng là được hưởng lợi, còn các tổ chức, doanh nghiệp khu vực sản xuất, kinh doanh khác sẽ chịu nhiều bất lợi nặng nề, việc phục hồi tăng trưởng vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Cuối cùng là đề xuất gói đầu tư công lên tới 288.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2 năm 2022-2023.

Theo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, căn cứ là quy mô gói hỗ trợ về đầu tư công nên nằm trong khoảng thấp hơn mức đầu tư công trung bình hàng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (2,87 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, tức là trung bình đạt 574 nghìn tỷ đồng/năm) để đảm bảo trong khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế.

Theo lộ trình giải ngân được đề xuất, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn được bổ sung thêm 50% trong 2 năm 2022 và 2023. Mức tăng này không quá cao so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, và có thể vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Bất ngờ đề xuất gói hỗ trợ lên tới hơn 840.000 tỷ

Tại Diễn đàn, thay mặt Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội và Nhóm chuyên gia – TS.Cấn Văn Lực cũng đã nêu quan điểm về gói quy mô hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Điều đáng nói, quy mô gói này bao gồm cả tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội cùng các chính sách khác, cao hơn cả con số đã thị trường đồn đoán trước đó là 800.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế: “Bất ngờ” với đề xuất 843.845 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán của Nhóm nghiên cứu.

Cụ thể, trong một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, TS. Cấn Văn Lực đề xuất gói hỗ trợ quy mô lên tới 843.845 tỷ đồng (10,38% GDP), là giá trị công bố. Tuy nhiên, giá trị thực tế sẽ chi là hơn 445.000 tỷ đồng, chiếm 5,48% GDP.

Trong đó, chính sách tài khóa chiếm vai trò chủ đạo, khoảng 678.395 tỷ đồng, tương đương 8,34% GDP năm 2021; chính sách tiền tệ 65.000 tỷ đồng (chiếm 0,8% GDP), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (chiếm 0,16%GDP), chính sách khác là 37.650 tỷ đồng (0,46% GDP).

Ngoài ra, sẽ có khoảng 50.000 tỷ (khoảng 0,6% GDP) đầu tư của SCIC vào doanh nghiệp.

Để thực hiện gói hỗ trợ này, nhóm nghiên cứu cũng đã có những tính toán cụ thể về nguồn lực huy động. Trong đó, khoản huy động lớn nhất sẽ là phát hành trái phiếu Chính phủ với 220.060 tỷ đồng.

Đánh giá tác động, theo TS Cấn Văn Lực nếu không có chương trình hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2022 và 2023 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 4% và 6%. Trong trường hợp có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt tới 6% năm 2022 và 7,5% vào năm 2023.

Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế: “Bất ngờ” với đề xuất 843.845 tỷ đồng - Ảnh 3.

Đối với nợ công, khi có chương trình hỗ trợ tỷ lệ nợ công/GDP chỉ vào khoảng 44,8% vào năm 2022 (trong khi đó nếu không có chương trình hỗ trợ tỷ lệ này ở mức 44,3%. Năm 2023, nợ công chiếm khoảng 41,8% GDP nếu không có chương trình hỗ trợ và đạt 42,8% nếu có chương trình hỗ trợ.

TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ phục hồi này có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu. Đồng thời phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Ngoài ra hỗ trợ cũng đảm bảo thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem