TP.HCM hiện có 27 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), gồm 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Tìm sản phẩm OCOP trao Thương hiệu Vàng Nông nghiệp TP.HCM
Các sản phẩm OCOP tại TP.HCM hiện nay mang đậm tính địa phương và thể hiện rõ lợi thế so sánh của các huyện nông thôn mới.
Huyện Củ Chi có các loại bột rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen và bơ đậu phộng; huyện Hóc Môn có sữa tươi, sữa chua từ đàn bò địa phương; huyện Bình Chánh có bưởi da xanh tại xã Phạm Văn Hai, rau an toàn của HTX Phước An; huyện Cần Giờ có xoài cát, khô cá dứa, tôm thẻ, tổ yến chưng, mật dừa nước…
Bà Nguyễn Thị Nhiệm - Giám đốc HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ) cho biết vùng duyên hải Cần Giờ nổi tiếng với tôm nước lợ. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Tôm thẻ chân trắng thương phẩm của HTX Thuận Yến được công nhận OCOP vừa khẳng định giá trị của sản phẩm địa phương vừa khẳng định tính an toàn, chất lượng, dinh dưỡng của sản phẩm.
Theo bà Nhiệm và chủ các doanh nghiệp, HTX được công nhận OCOP, vai trò của chứng nhận OCOP rất quan trọng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều về Chương trình OCOP, vì sao nên chọn mua sản phẩm OCOP. Do đó, các chủ thể sản xuất OCOP đề xuất cần nhiều chương trình quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu để sản phẩm OCOP tự tin ra thị trường.
Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM nói chung, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp giai đoạn 2022-2030.
Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP, nhóm sản phẩm chủ lực và tiềm năng ngành nông nghiệp Thành phố, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản địa phương trên địa bàn.
Song song đó, đề án cũng đặt ra nhiều giải pháp để định hướng, có chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội thi, lễ hội, chợ phiên) và mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.
Hỗ trợ sản phẩm OCOP đạt Thương hiệu Vàng Nông nghiệp TP.HCM
Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp TP.HCM, Thành phố và các sở, ban ngành sẽ thực hiện nhiều giải pháp.
Thứ nhất, TP.HCM sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng xây dựng thương hiệu của các đối tượng tham gia, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ phát triển, chọn lựa các sản phẩm có thế mạnh để tổ chức và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với hình thức phù hợp cho từng thương hiệu nông sản địa phương.
Thứ hai, TP.HCM thường xuyên xây dựng, cập nhật và triển khai tập huấn, tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kỹ năng, chuyên đề có tính chất thực tiễn, hỗ trợ về mặt thông tin, kiến thức, khả năng tư duy, áp dụng hiệu quả trong quá trình xây dựng phương án, chiến lược phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Thứ ba, TP.HCM sẽ hỗ trợ chủ thể sản xuất hướng tới đạt các tiêu chí tham gia giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp TP.HCM. Cụ thể, tư vấn và hỗ trợ xây dựng hình ảnh, câu chuyện sản phẩm; tư vấn và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu; tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Thứ tư, các sở, ban ngành sẽ tổ chức hoặc tham gia các hoạt động sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm như hội chợ, triển lãm, hội thi, lễ hội, chợ phiên trên địa bàn TP và tại các tỉnh, thành trong cả nước; hỗ trợ tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại như cửa hàng, siêu thị, thương mại điện tử...
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, TP.HCM tổ chức lễ công bố giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp TP.HCM lần thứ nhất, giai đoạn tiếp theo tổ chức định kỳ 2 năm/lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.