Tại hội thảo, Hà Nội đã công bố, trong năm 2012, thành phố sẽ hỗ trợ trên 1.022 tỷ đồng cho các xã xây dựng NTM.
Báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, trong hơn 2 năm qua, TP. Hà Nội đã lựa chọn 19 xã làm điểm ở 19 huyện, thị xã. Đến nay, đã có một xã có 18/19 tiêu chí đạt chuẩn, 3 xã đạt từ 12 đến 16 tiêu chí, 11 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí và 4 xã đạt dưới 10 tiêu chí.
TP.Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho 228 cán bộ huyện, 5.200 cán bộ xã và 1.370 cán bộ thôn tại 19 xã học tập các kiến thức xây dựng NTM. Trong hơn 2 năm, 38 doanh nghiệp đã ủng hộ chương trình xây dựng NTM tại Hà Nội với tổng kinh phí 213 tỷ đồng. Mỗi năm, đã có 7.000 - 8.000 tỷ đồng thuộc nguồn ngân sách các cấp được đầu tư cho chương trình này.
Về công tác quy hoạch, tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 325 xã lập xong đề án xây dựng NTM của xã, trong đó có 295 xã triển khai lập quy hoạch xã NTM. Ông Ngô Đại Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh chia sẻ: “Chúng ta cần mời các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, am hiểu về quy hoạch nông thôn. Tận dụng triệt để các nguồn lực, đồng thời thu thập các ý kiến của người dân về việc xác định các khu trung tâm, điểm xây dựng nhà văn hóa, công trình phúc lợi, tránh mâu thuẫn trong việc quy hoạch”.
Hà Nội đã đặt ra kế hoạch trong năm 2012 sẽ phấn đấu hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM cho 100% số xã (401 xã).
Trên cơ sở đó, Hà Nội đã đặt ra kế hoạch trong năm 2012 sẽ phấn đấu hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM cho 100% số xã (401 xã). Đến hết năm 2012, 19 xã điểm sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí về NTM. Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tập trung, chỉ đạo, bố trí nguồn lực xây dựng NTM các xã giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ của thành phố dự kiến trong năm 2012 sẽ là trên 1.022 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí hỗ trợ cho 19 xã điểm là gần 318 tỷ đồng (bình quân mỗi xã được 16,7 tỷ đồng).
Ông Hoàng Thanh Vân- Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Theo dự kiến, nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ khoảng 40%, còn lại các xã, huyện sẽ được sử dụng 100% số tiền đấu giá đất sử dụng vào việc xây dựng NTM”.
Cũng theo ông Vân, trong đấu giá đất, không quan trọng giá cao hay thấp, nếu thấp thì có thể đấu giá thêm diện tích.
“Đối với những huyện đã được phê duyệt đề án xây dựng NTM, đề nghị lập đề án về việc xây dựng dự án phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở, huyện, xã nào muốn học thì đến các xã điểm, chứ không thực hiện theo kiểu mỗi huyện “thử” một tý, sẽ rất khó mang lại hiệu quả” - ông Vân cho biết.
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến tập trung vào những hạn chế của chương trình như: Việc xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn nội dung xây dựng NTM còn chậm, do đó các xã đều lúng túng trong huy động nội lực, lồng ghép các nguồn vốn và tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Khi thực hiện các nội dung, chú trọng nhiều đến xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, quy hoạch NTM tại một số nơi còn trùng lặp…
Nguyễn Tùng - Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.