Hoà Bình: Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 11/12/2020 05:35 AM (GMT+7)
Đó là chủ đề diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức mới đây, với sự tham dự của đại diện Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên cùng một số doanh nghiệp, HTX và 140 hộ chăn nuôi gà tiêu biểu.
Bình luận 0

Nhiều giống gà đặc sản được xếp sao OCOP

Báo cáo tại diễn cho thấy, chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) thực hiện trong 2 năm qua như một nét mới của ngành nông nghiệp, tạo ra luồng "sinh khí" góp phần thúc đẩy phát triển, nâng chất nhiều mặt hàng nông sản. Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã phê duyệt đề án, kế hoạch cấp tỉnh triển khai chương trình.

Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Nông dân đặt câu hỏi tại diễn đàn về chăn nuôi gà thịt an toàn. Ảnh: Xuân Tuấn

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, để đẩy mạnh Chương trình OCOP, mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao làm tiền đề trong quy hoạch, chiến lược phát triển trên cơ sở lợi thế, thế mạnh vùng, miền.

Tính đến ngày 12/10/2020, cả nước đã có 47 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận cho tổng số 2.088 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Theo đó, hạng 3 sao có 1.366 sản phẩm, hạng 4 sao có 674 sản phẩm và 48 sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá và phân hạng năm sao.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, riêng lĩnh vực chăn nuôi, nhiều địa phương đã và đang phát triển cả về quy mô đàn, về bảo tồn và phát triển các giống đặc sản quý hiếm, từng bước xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm OCOP chế biến từ thịt, trứng, sữa... đang ngày càng phát triển đa dạng, có chỗ đứng trên thị trường.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, đến năm 2020, đàn gia cầm cả nước đạt 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà, chiếm 79,5%. Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 79,9%, gà đẻ chiếm 21,1%. 

Nhiều địa phương đã tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ những giống vật nuôi đặc sản như: Gà Tiên Yên (Quảng Ninh), gà Yên Thế (Bắc Giang), gà Chí Linh (Hải Dương), gà Đông Tảo (Hưng Yên)... Trong đó một số sản phẩm sau khi tham gia OCOP đã có bứt phá mạnh cả về giá cả và quy mô sản lượng.

Hoà Bình: Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Người dân xã Phú Thành (Lạc Thủy, Hoà Bình) sử dụng máng ăn tự động nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ảnh: Thu Thuỷ

Đối với tỉnh Hòa Bình, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, quy hoạch, kế hoạch cũng như định hướng phát triển ngành chăn nuôi bền vững giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; phổ biến tuyên truyền áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ; sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; chủ động trong công tác phòng chống dịch cho đàn gia cầm, xây dựng cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh giống gia cầm, cơ sở ấp nở trứng gia cầm...

Ông Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất khoảng 675.000 tấn/năm, có 225 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi. 

Hòa Bình cũng đã hình thành các mô hình chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả với 9 HTX chăn nuôi gà. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho vật nuôi của địa phương cũng được quan tâm triển khai thực hiện, với 2 nhãn hiệu tập thể đã được cấp giấy chứng nhận và chỉ dẫn địa lý là Gà Lạc Sơn, Gà Lạc Thủy.

Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, việc chăn nuôi vẫn còn những khó khăn nhất định như: Quy mô sản xuất gia cầm nhiều nơi còn nhỏ lẻ, mất an toàn trong khâu quản lý, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh; nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi còn hạn chế; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi còn chậm, chưa đồng bộ…

Tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh nhận định: Ngoài những thành công bước đầu, Chương trình OCOP nói chung, phát triển sản phẩm từ ngành chăn nuôi nói riêng còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. 

Đó là nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương về ý nghĩa và mục đích của Chương trình OCOP còn hạn chế, cộng đồng còn chưa tham gia mạnh mẽ. Quy mô chăn nuôi các giống gà đặc sản chủ yếu ở hộ gia đình, do đó việc đầu tư công nghệ, chế biến sâu, mở rộng quy mô, xúc tiến thương mại, đăng ký sở hữu trí tuệ… còn khiêm tốn.

Nhiều vấn đề về chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận tại diễn đàn như: Cơ chế, chính sách của T.Ư và các địa phương hỗ trợ chăn nuôi gà thịt nói chung, phát triển sản phẩm OCOP nói riêng; các tiêu chí đánh giá sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP cũng như quy trình đăng ký sản phẩm OCOP, các bước triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm...

Các thắc mắc của người chăn nuôi về kỹ thuật như: Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và theo VietGAP; cách nhận biết và biện pháp phòng trị một số bệnh trên đàn gà, cách lựa chọn con giống chất lượng... cũng đã được các chuyên gia tại diễn đàn giải đáp thỏa đáng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem