![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-31/1434702070-261_8_hoang-xuan-luong.jpg) |
TS Hoàng Xuân Lương |
Phóng viên NTNN trao đổi với TS Hoàng Xuân Lương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Ban chỉ đạo cuộc thi về hoạt động này.
Thưa ông, điểm khác biệt cũng như tiêu chí của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam so với các cuộc thi hoa hậu khác là gì?
- Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam là dịp tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của những thiếu nữ ở vùng miền núi dân tộc, những nơi có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc thi còn thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nếu như ở cuộc thi hoa hậu khác hầu hết các thí sinh dự thi đều là người Kinh (chiếm trên 90%), các thí sinh là người dân tộc thiểu số thường chiếm một số lượng rất ít, thì ở cuộc thi này sẽ ngược lại. Ban chỉ đạo cũng như ban tổ chức khi xây dựng đề án cho cuộc thi đều thống nhất thành phần thí sinh tham dự phải đạt 31/54 dân tộc.
Cụ thể hơn, cuộc thi năm nay có khác gì so với cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007?
- Sau thành công của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2007 tại Đà Lạt, năm nay, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ thương mại quốc tế (CIAT) tổ chức cuộc thi.
Toàn bộ kinh phí sẽ được xã hội hóa và tất cả đều do CIAT đứng ra vận động tài trợ. Tính đến nay, việc vận động tài trợ từ tài chính đến cơ sở vật chất, ăn ở đã đạt 20 tỷ đồng. Ban chỉ đạo cũng đã họp và thống nhất mời các nhà nghiên cứu văn hóa tham gia hội đồng thẩm định cho cuộc thi.
Còn về thành phần ban giám khảo sẽ có sự tham gia của các nhà văn hóa học, nhân chủng học... và do ông Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam làm chủ tịch hội đồng. Vì đây là một cuộc thi hoa hậu có sự tham gia của nhiều thành phần dân tộc Việt Nam, nên việc chấm thi phải đảm bảo tính công minh và sẽ không ưu tiên cho bất cứ dân tộc nào.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-31/1434702070-261_8_hoa-hau-cac-dan-toc-viet-nam.jpg) |
Các thí sinh đoạt giải cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2007 |
Hiện nay, có thông tin cho biết khá nhiều người mẫu (đa phần là người dân tộc Kinh) được đầu tư khá lớn về tài chính muốn mượn cuộc thi này làm “bàn đạp” để tham dự các thi hoa hậu quốc tế. Liệu như vậy có “công bằng” với các thí sinh là người dân tộc thiểu số còn rất bỡ ngỡ với các cuộc thi?
- Như tiêu chí của cuộc thi, chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo phối hợp với bộ phận chức năng để xem xét, quản lý chặt chẽ các hồ sơ tham gia dự tuyển để tránh các sơ suất. Cùng với đó, chúng tôi đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về lựa chọn thành phần thí sinh; phối hợp với các địa phương xác minh thí sinh phải là công dân tốt. Đặc biệt, thí sinh phải chưa có gia đình, kể cả các trường hợp mới kết hôn sau khi đã nộp hồ sơ và lọt vào vòng bán kết sắp tới nếu bị phát hiện cũng sẽ bị loại khỏi cuộc thi.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-31/1434702071-261_8_hoang-nhung.jpg) |
Hoa hậu Nguyễn Thị Hoàng Nhung - Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2007. |
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng xem xét đến yếu tố chính trị, đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo tính khách quan để tôn vinh những vẻ đẹp xứng đáng nhất. Tôi tin rằng cuộc thi sẽ chọn được một hoa hậu đích thực và đúng với các tiêu chí.
Hoa hậu năm 2007 là Hoàng Nhung dường như bị “chìm nghỉm” và không có hoạt động nào nổi bật. Ban tổ chức đã có kế hoạch gì để Hoa hậu đăng quang cuộc thi năm nay tạo được các dấu ấn tốt hơn cho cộng đồng, xã hội?
- Ban tổ chức đã lên nhiều kế hoạch để Hoa hậu năm nay và các cuộc thi những năm sau có thể tham gia nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa, thiết thực. Chúng tôi cũng đề xuất cho việc mở rộng cuộc thi sau sẽ cho cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng được đăng ký dự thi.
Hoàng Minh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.