Không thể thoát ra!
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Cà Mau, trong vụ hỏa hoạn tại nhà ông Trần Quang Tiên (phường 7, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), công tác chữa cháy có những khó khăn nhất định. Cụ thể, lực lượng PCCC muốn vào được địa điểm cháy phải qua một cây cầu và con hẻm, nơi đây lại nằm khuất sâu phía sau, xa nguồn nước. Bên cạnh đó, căn nhà của thầy giáo tiên là nhà ống, chỉ có một lối thoát cũng là cửa chính, khi xảy ra hỏa hoạn thì việc cứu hộ cứu nạn rất khó khăn.
Vụ cháy nhà ông Trần Quang Tiên (Cà Mau): Cầu thang là lối thoát duy nhất nhưng là điểm phát cháy nên không ai có thể thoát ra; trong nhà có nhiều vật liệu dễ cháy như gỗ, xốp, giấy... Ảnh: Chúc Ly
“Điểm phát cháy trong nhà của ông Tiên là từ cầu thang. Nhưng cầu thang cũng là con đường duy nhất để mọi người có thể thoát từ trên gác xuống nên khi cháy lớn ở cầu thang thì người trong nhà không thể thoát ra được. Đó là một thực trạng và hậu quả rất đau lòng” – thượng tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Cà Mau nói. Không những thế, nhà ông Tiên có nhiều chất liệu dễ cháy trên gác như: Gỗ, xốp, giấy, sàn trải simili (giả da) nên vụ cháy xảy ra rất nhanh, mạnh.
“Chúng tôi vẫn sẽ phải cố gắng tuyên truyền, phát động cho bà con hiểu được tác dụng của việc thiết kế nhà nhất thiết phải có lối thoát hiểm hoặc chừa lối ra ban công. Về lâu dài chúng ta vẫn phải quyết tâm luật hóa vấn đề này vì tình trạng nhà ống kín như bưng tới giờ đã ở mức cảnh báo rồi”.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh
|
Từ vụ hỏa hoạn với hậu quả đau lòng ở Cà Mau, nhìn rộng ra thì trước đó, trên nhiều thành phố khắp cả nước cũng đã xảy ra những vụ cháy với hậu quả nặng nề mà nguyên nhân cũng tương tự. Dường như đó là những bài học xương máu mà rất nhiều người “học mãi vẫn chưa thuộc bài”. Có thể kể tới vụ hỏa hoạn ngày 10.6.2016 tại cửa hàng bán dụng cụ điện ở số 423 đường Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, khiến 4 người thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do chập điện ổ cắm sau tủ lạnh ở tầng trệt và gây đám cháy khiến mọi người không thể chạy ra, trong khi biển quảng cáo lớn chắn hết ban công trên lầu một khiến mọi người không thoát ra được.
Trước đó, khoảng 0 giờ 30 ngày 11.6.2015, tại ngôi nhà 3 tầng trong ngõ 151 phố Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy ra hỏa hoạn làm 5 người trong một gia đình tử vong, nguyên nhân được xác định là bắt nguồn từ chiếc quạt treo tường. Ngôi nhà được thiết kế dạng ống, gồm 3 tầng 1 tum, rộng 25m2, chỉ có 1 lối cầu thang duy nhất nằm trong góc nhà, khi hỏa hoạn rất khó thoát hiểm.
Nỗi đau của thân nhân gia đình thầy giáo Tiên khi cùng một lúc mất đi 6 người. ảnh: H.H
Hay vào ngày 29.12.2014, vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà số 14/136 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng đã khiến 6 người tử vong. Tại hiện trường, toàn bộ cửa sắt và cửa gỗ khóa trái. Lực lượng cứu hỏa phải phá cửa, hút khói, làm mát, nhưng có rất nhiều vải vóc, máy may chắn ngang cửa và toàn bộ gác xép bị đổ sập, công tác cứu nạn càng khó khăn hơn… Ngôi nhà nơi xảy ra vụ hỏa hoạn được thiết kế xây dựng quá kín, không có lối thoát hiểm, khiến cả 6 người bên trong không thể thoát ra ngoài và bị chết cháy.
Chưa quy định nhà riêng có lối thoát hiểm
Trao đổi với phóng viên NTNN sau vụ cháy ở Cà Mau, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn cho hay, theo pháp luật hiện hành, chưa quy định bắt buộc mỗi gia đình phải bố trí một lối thoát hiểm hoặc ban công để ngỏ. “Hầu hết các nhà riêng của bà con hiện nay đều thiết kế dạng ống do đất đai chật hẹp, không có lối thoát hiểm, thậm chí chẳng có ban công hoặc ban công phải hàn kín lồng sắt vì sợ trộm cướp. Trong khi đó, quy định về an toàn PCCC thì nhà tư lại không thuộc diện quản lý của Cảnh sát PCCC. Còn các loại nhà thuộc diện Nhà nước quản lý, chúng tôi đều yêu cầu phải có lối thoát nạn, có ban công để khi xảy ra hỏa hoạn thì có thể tự thoát hoặc chờ lực lượng PCCC tới cứu”- Thiếu tướng Mạnh giải thích.
Ông Mạnh cũng thông tin thêm, không chỉ có tình trạng nhà ống thiếu đường thoát hiểm gây ra hậu quả nặng khi xảy ra hỏa hoạn, hiện nay nhiều nơi tình trạng câu ngoắc điện loằng ngoằng, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt hay khí gas kém cũng là những nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn thương tâm ở khu vực nhà tư. Đó là chưa kể nhiều nơi nhà tư ở trên, nhưng tầng dưới lại kiêm luôn xưởng sản xuất, gia công các loại hàng hóa dễ cháy nhưng không chấp hành tốt các quy định an toàn PCCC, những lý do này cũng rất dễ gây ra các vụ hỏa hoạn lớn.
Về giải pháp xử lý tình trạng nhà ống không có thiết kế đường thoát hiểm nói riêng và tình trạng mất an toàn PCCC tại các nhà riêng, Thiếu tướng Mạnh khẳng định: Tới đây chúng tôi sẽ xây dựng một bộ tiêu chí để vận động người dân thực hiện theo. Nếu bộ tiêu chí này được người dân tuân thủ tốt, đi vào cuộc sống rồi thì sẽ nghiên cứu để nâng lên thành thông tư hướng dẫn, bắt buộc thực hiện trong toàn quốc. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.