VnIndex “hụt” mốc 910 điểm
Sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 15.1 với mức tăng 8 điểm, TTCK Việt Nam bước vào phiên giao dịch sáng 16.1 mới với sự hưng phấn, các chỉ số tiếp tục duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, chỉ sau ít giờ giao dịch, các cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu thể hiện sự phân hóa rõ né, các chỉ số dần quay về trạng thái giằng co.
Bước vào phiên giao dịch chiều 16.1, VnIndex có thời điểm đã giảm xuống còn906 điểm. Song sự hỗ trợ tích cực của 3 “cổ phiếu họ Vin” là VIC, VRE, VHM đã giúp VnIndex vượt qua ngưỡng 910 điểm.
Nhưng cuối cùng, trong thời gian diễn ra phiên ATC, lực cung gia tăng tại các mã ngân hàng lớn đã khiến VnIndex “hụt” mốc 910 điểm, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16.1 với mức giảm 0,98 điểm (0,11%), xuống 908,7 điểm. Còn HNX-Index giảm 0,6 điểm (0,58%) xuống 101,99 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16.1, VnIndex giảm 0,98 điểm (0,11%), xuống 908,7 điểm. (Ảnh: TVSI)
Trong phiên giao dịch hôm nay, bộ ba “cổ phiếu họ Vin” đã có những hỗ trợ tích cực cho chỉ số VnIndex. Trong khi khi VIC tăng 0,49% lên 102.000 đồng, VHM cũng tăng 0,5% lên 80.300 đồng. Còn VRE tăng 1,45% lên 31.450 đồng.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có giao dịch tích cực. Cụ ttheer, GAS tăng nhẹ 0,33% lên 90.600 đồng, PLX tăng 0,36% lên 55.500 đồng, BVH tăng 1,47% lên 90.000 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VPB tăng 3,12% lên 19.850 đồng, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều giảm nhẹ. Trong đó, VCB giảm 0,89% xuống 55.400 đồng, BID giảm 0,92% xuống 32.200 đồng, CTG giảm 1,06% xuống 18.700 đồng, MBB giảm 0,26% xuống 19.450 đồng, EIB giảm 1,36% xuống 14.500 đồng, TPB giảm 1,42% xuống 20.800 đồng.
Tài sản tỷ phú Trần Đình Long vẫn “giằng co” quanh mức 11.000 tỷ đồng. (Ảnh: I.T)
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán tiếp tục tăng 361,98 tỷ đồng (0,49%) lên 73.844,85 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm nhẹ 0,97%, tương đương 202,21 tỷ đồng do cổ phiếu VJC kết thúc phiên giao dịch với mức giá dưới tham chiếu.
Còn tài sản tỷ phú Trần Đình Long từ thời điểm đầu năm 2019 tới nay vẫn “giằng co” quanh mức 11.000 tỷ đồng trong bối cảnh giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG đã chạm đáy 1 năm.
Hòa Phát thắng lớn ở thị trường ngoại
Trái ngược với những diễn biến thiếu tích cực trên sàn chứng khoán của cổ phiếu HPG khiến tài sản tỷ phú Trần Đình Long bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng vài tháng, năm 2018 vẫn là một năm đáng nhớ đối với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát khi thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu gần 240.000 tấn, tăng hơn 50% so với năm trước.
Trong các thị trường chính như Nhật, Mỹ, Campuchia, Malaysia, thị trường Nhật Bản có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, gấp 20 lần so với năm trước.
Cho đến nay, thép Hòa Phát đã chinh phục được thị trường 14 quốc gia khắp thế giới. Nhiều thị trường mới như New Zealand, Canada, Hàn Quốc, Brunei đã ngày càng tăng lượng đơn đặt hàng. Đây đều là các thị trường khó tính và chứng tỏ sức cạnh tranh rất cao của thép xây dựng Hòa Phát trên thị trường quốc tế.
Trong số các thị trường xuất khẩu sản phẩm thép xây dựng Hòa Phát, thị trường Nhật Bản có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, gấp 20 lần so với năm trước. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, thị trường Nhật Bản năm vừa qua đã tăng đột biến các đơn hàng và toàn bộ là thép cuộn chất lượng cao. Nếu như năm 2017 lượng hàng xuất khẩu sang nước này chỉ đạt hơn 2.900 tấn thì con số này đã tăng lên 58.513 tấn, tương đương mức tăng 20 lần.
Tiếp theo là Campuchia, Malaysia, các thị trường có mức tăng trưởng lần lượt đạt 246% và 202% so với 2017. Trong đó, Campuchia chiếm tỷ trọng hàng xuất khẩu nhiều nhất trong năm 2018 với gần 70.000 tấn, chiếm 29,26% sản lượng xuất khẩu. Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, đây sẽ vẫn là thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm thép Hòa Phát trong thời gian tới, bởi quốc gia láng giềng này chưa có ngành công nghiệp thép, trong khi các dự án xây dựng nhà cao tầng ngày càng gia tăng, dẫn đến nhu cầu nhập thép rất cao.
Đối với thị trường Mỹ, dù bị áp thuế nhập khẩu 25% theo đạo luật 232 nhưng thép Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn xuất khẩu được tổng cộng 35.600 tấn vào thị trường này, chiếm gần 15% sản lượng và cao thứ 3 trong số 14 thị trường xuất khẩu năm 2018.
Sự đa dạng giúp thép Hòa Phát không bị phụ thuộc vào thị trường nào cụ thể, chủ động trong phân bổ sản lượng xuất khẩu khi cần thiết. Trong năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát vẫn chú trong thị trường trong nước và giữ tỷ trọng khoảng trên 10% cho xuất khẩu, hướng đến nhiều thị trường và chú trọng các nước Đông Nam Á.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.