Hóa rồng và rồng hóa ở Việt Nam

Thứ hai, ngày 30/01/2012 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Con rồng Việt Nam đã được “long hóa” - biến mình ngày càng thêm và đậm “tính rồng” - oai vệ, cao sang, thiêng quý - của vương quyền và thần quyền.
Bình luận 0

Thế nhưng, qua các vương triều, hình ảnh con rồng biến hóa khôn lường, thể hiện rõ quan điểm tín ngưỡng Việt.

Xăm rồng để không quên gốc

Rồng, hoặc liên quan đến rồng, mà được chép vào quốc sử với tần suất cao nhất, thì đó là về thời Lý - Trần. Nào là rồng hiện lên (thăng long), rồng bay từ cung này sang điện khác (phi long), rồng quấn quanh cột nhà hoặc áo mão của vua (long cổn)! Và, sách “Việt điện u linh” về cuối đời Trần, còn chép chuyện chiếc móng rồng mà vị thần nhân ở đầm Dạ Trạch là Chử Đồng Tử, cưỡi rồng vàng từ trời xuống đã tặng cho Triệu Việt Vương ở thế kỷ VI sau Công nguyên, để cài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc!

img
 

Cứ theo những ghi chép như thế mà suy, thì chẳng thể hiểu được hình thù của rồng ở những thời kỳ xa xưa ấy ra sao cả. May mắn, ở về đời Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Vua Trần Anh Tông (cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV) quốc sử lại chép được một chuyện rất sinh động về việc một hôm, Thượng hoàng Nhân Tông ngự ở cung Trùng Quang, gọi thợ xăm đến, chuẩn bị xăm hình rồng vào đùi cho Vua Anh Tông theo cổ lệ, với lời giải thích, được sử quan chép nguyên văn vào quốc sử, rằng: “Nhà ta vốn là người ở cuối sông gần biển, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi, là để tỏ ra mình không quên gốc”.

Nhưng trong khi vị vua cha mải tuyên những lời (vô cùng quý giá cho hậu thế để ngày nay ta có cơ sở mà hiểu được về rồng và phong tục xăm mình hình rồng) như thế, thì ông vua con (chắc là theo lớp biến đổi của văn hóa mới) đã thừa cơ lẻn ngay về cung Trùng Hoa của mình! “Được hồi lâu - sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép tiếp - Thượng hoàng hỏi: Vua đâu rồi”. Tả hữu thưa là đã hồi cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bèn truyền: “Vua trốn rồi, phải không? Thế thì xăm cho (em trai của Thượng hoàng) Huệ Vũ, đại vương Trần Quốc Chẩn vậy!”.

Con rồng đời Trần đã hiện rõ khi các nhà khảo cổ phát hiện được một báu vật cổ, đời Trần. Đó là một chiếc thạp gốm sứ men nâu - ngà, có vẽ hình một chiến binh, với “hào khí Đông A” đang lăm lăm tay thương tay mộc. Trên tấm lá chắn đó, có hình rồng. Và đặc biệt là ở vế đùi săn chắc của người dũng sĩ, cũng có xăm hình rồng!

Vậy chuyện xăm hình rồng vào đùi vua cũng như là cả câu văn chính sử: “Hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở lưng, ở bụng, và hai bắp đùi, gọi là thái long (rồng hoa)” ở đời Trần, là chuyện có thực. Nhưng, còn quan trọng hơn, là ở đây, ta dễ dàng nhận ra - nhất là ở những khúc uốn lượn của và làm nên thân rồng - rất rõ ràng là hình hài của một loài rắn.

Rồng: một phúc thần!

Đã và sẽ còn những nghiên cứu, tranh luận, xem đây là loài rắn gì. Rắn nước, rắn biển, hay “rắn makara”, rắn naga” - từ Ấn Độ, từ Đông Nam Á (Lào Campuchia, Indonesia,...) nhập nội. Nhưng, căn cứ thêm vào những hình điêu khắc - tạc họa, lên đá, lên gỗ, đất nung... ở bệ tượng Phật (chùa Phật Tích- Bắc Ninh), cột cung điện (vườn Bách Thảo - Hà Nội), chân bia ký (chùa Long Đội - Hà Nam), những cánh cửa (chùa Thái Lạc - Hưng Yên), những đồ ngự dụng (ở Hoàng thành Thăng Long), cột chân tháp (chùa Đại Lãm - Bắc Ninh)... thì những linh vật được hiện hình ở đấy - trước đây đã được quen gọi, và giờ đây chắc chắn đã có thể gọi đúng là rồng - đều có hình hài cơ bản, là rắn. Trong khi, tương đương với thời Lý - Trần, ở buổi đầu thời trung cổ bên châu Âu, con rồng ở đấy rõ gốc là loài ngựa, ở Trung Hoa thời Đường- Tống, con sư tử đã hóa thân rất mạnh thành rồng, thì ở ta, con rồng thời Đại Việt, và cả các đời sau, đều có gốc gác và chính thân là rồng - rắn.

Cái thân hình uốn khúc mềm mại hoặc mạnh mẽ của những con rồng (gốc) rắn Việt Nam như thế này, còn gợi lên dáng vẻ những dòng sông, nghìn đời nay quanh co mang nước đến tắm tưới cho cuộc sống và lịch sử văn minh trồng lúa nước Việt Nam. Về mặt ngôn ngữ học, “sông” có thể là biến âm, hoặc phát âm rút gọn (đơn âm tiết hóa) của từ đa âm tiết “cơ-rông” trong tiếng Việt cổ, mà các thủy danh ở Tây Nguyên vẫn còn bảo lưu được: Krông Pách (sông Pách), Krông A-na (sông A-na)... Thế là một liên hệ - vẫn trên bình diện ngôn ngữ học - giữa “rông” trong “cơ-rông” (K’rông), với “rồng” đã được giả thiết. Và như thế, rồng ở Việt Nam, còn gắn bó với sông (nước) - cơ sở, và điều kiện sống còn cho cuộc sống và lịch sử văn minh nông nghiệp, đối với đất nước và nhân dân ta.

Từ đây, rồng trở thành hình tượng và thần tượng - với thực chất là một phúc thần - của người Việt Nam- là những nông dân, làm nông nghiệp, ở nông thôn. Vì thế mà xuất hiện và tồn tại, thân thiết và thân thương, trên những điêu khắc đình làng, các cảnh “mẹ con nhà rồng” quấn quýt (ở đình Chu Quyến - Ba Vì), những “cụ rồng già đang dạy chữ cho các cháu rồng nhỏ” (ở đình Đọi Sơn - Duy Tiên); thậm chí, cả những cô thôn nữ yếm trần cũng còn có thể giỡn đùa cùng rồng giữa sóng nước (ở đình Tây Đằng, mới về cùng đô thị Hà Nội)...

Thể hiện thần quyền và vương quyền

Vai trò là phúc thần của rồng Việt Nam - khác với tính “ác thần” của rồng phương Tây, “hung thần” của rồng Trung Hoa - thấy xuất hiện đầu tiên trong sự tích: Rồng cứu (đội, dìu) Đinh Bộ Lĩnh qua sông Hoàng Long ở thế kỷ X. Thế là các bậc trưởng thượng, những vị quân chủ, tìm ngay được ở đấy cơ hội “biến rồng thành mình, biến mình thành rồng”, tức thị làm cho rồng trở thành biểu tượng gắn bó hoặc chính đấy là vương quyền và (vì vua xưa cũng đồng thời là con trời hoặc “thiên tử” - nên cũng là) thần quyền luôn.

Những danh hiệu, niên hiệu, địa danh... có chữ “Long” thiêng quý như “Long Thụy” (rồng đẹp), “Long An” (rồng cho yên ổn, “Long Tiệp” (rồng nhanh nhẹn)... gắn liền với các vua và triều đình nhà Lý, nhà Trần, được dùng ồ ạt. Kể cả việc phải gọi mặt vua là mặt rồng (long nhan), thân hình vua là mình rồng (long thể); chỗ vua nằm là giường rồng (long sàng) nơi vua ở là thành rồng (long thành)...

Và về mặt hình hài (hình tượng), thì đến thời quân chủ thịnh trị, những điêu khắc rồng thời Lê (thế kỷ XV) như ở “thềm rồng” Điện Kính Thiên tại Thăng Long hoặc ở chính Lam Kinh, rồng đã thành một linh vật, tích tụ đủ thứ: mắt quỷ (tròn trong hốc sâu), miệng lang (mồm chó sói), sừng nai, tai thú, trán lạc đà, cổ rắn, vây cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng... với những chiếc “đao” dài, bay ra phía trước thật oai phong và thậm chí còn đĩnh đạc, cả kênh kiệu nữa, quắp đủ 5 chiếc “móng rồng”, vuốt cứng chòm “râu rồng”...

Hoặc nữa, việc ta đang cố gắng “hóa rồng”, như các nước đã thành những “con rồng châu Á” - Hàn Quốc, Singapore... thì lại đang có vấn đề về “rồng hóa” ở ta, phải là như thế nào. Và, loại rồng mà ta đang muốn hóa thành rồng, chân chính, đúng ra thì phải là loại rồng nào đây?

Con rồng Việt Nam đã được “long hóa”, biểu tượng của vương quyền và thần quyền, là như thế. Đồng thời, nó cũng thành cái đích, là vật chuẩn của nhiều mơ ước được “hóa rồng” của nhiều thân phận còn thấp thỏi giữa cuộc đời, và trong xã hội xưa. Cảnh tượng “cá vượt vũ môn” (cá chép hóa rồng) là bức tranh phổ biến về giấc mộng của các sĩ tử trước đây, đợi chờ dịp thi cử, đỗ đạt, làm quan. Ở ngôi đền Hóa thờ Chử Đồng Tử trên vùng đầm Dạ Trạch xưa, vẫn đang còn một chiếc “mõ cá” gỗ to dài, tạc một hình mình cá nhưng đầu thì đã đang hóa rồng rồi. Còn ở ngôi đền Vẽ (Từ Liêm, Hà Nội), một mảng chạm nổi rất đẹp, chính là những cành cây, hoa lá, đang vươn kết lại mà nối bám vào một chùm thảo mộc đã thành hình chiếc đầu rồng...

Những cảnh, chuyện và việc hóa rồng cùng lúc với rồng hóa như thế này, ngày xưa ở Việt Nam, có thể dễ dàng lan man sang đến những sự nghiệp đương thời đang diễn ra. Chẳng hạn như về sự nghiệp đô thị hóa gấp gáp xô bồ bây giờ, có vẻ như chỉ mới thấy một vế “hóa”, là đô thị hóa các vùng nông thôn, mà chưa thấy vế đô thị hóa chính ngay các vùng đã được coi là đô thị. Mà, việc làm cho chất lượng đô thị ngày càng cao ở những nơi này, mới chính là điều kiện và phương thức thuận, cho việc nó có thể đô thị hóa các nơi chốn khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem