Hoài bão chinh phục "Nữ hoàng quả khô"

Hoàng Sơn (Trang Trại Việt) Thứ bảy, ngày 29/08/2015 17:00 PM (GMT+7)
“Phát triển mắc ca có mộng mơ không? Tôi nghĩ là không mộng mơ mà đó là hoài bão chính đáng… "
Bình luận 0

Hoài bão đó cộng với sự sáng suốt của con người, cộng với những tư duy và những kiến thức cả về khoa học, cả về thực tiễn và tổ chức thực hiện, quyết tâm, nhất là khi các doanh nghiệp vào cuộc thực sự thì tôi tin mộng mơ đó sẽ trở thành hiện thực, cho dù điều đó không thể làm một cách đơn giản mà sẽ còn rất nhiều khó khăn…”.

Hoài bão lớn để bền gan vượt khó

img

Hoài bão - hai chữ này đã nói hộ cho niềm tin mạnh mẽ của những người luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, đi trước để đón bắt cơ hội, và cao hơn là khát vọng xóa nghèo, làm giàu ở một quốc gia mà người nông dân và doanh nghiệp đã làm nên những ngành hàng nông sản hàng đầu thế giới.

Nếu không có hoài bão và sự hỗ trợ của một số chuyên gia, anh nông dân Phạm Hữu Tú (xã Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa) không đủ sự tự tin để phá bỏ 2ha rừng luồng để trồng vào đó vườn mắc ca vào năm 2006. Đến nay anh đã có 500 cây mắc ca và gần 3 vạn cây giống trị giá gần 2 tỷ đồng.  

Nếu không có hoài bão tìm đường giúp dân thoát nghèo, thậm chí dám đặt cược cả tương lai chính trị của mình cho niềm tin, ông Trần Đình Mạnh - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức (Đăk Nông), trước đó là Chủ tịch huyện này lại dám chịu sự “nhắc nhở” của lãnh đạo cấp trên để lập nhóm nghiên cứu mắc ca, tổ chức trồng thử mắc ca và đưa doanh nghiệp về cung cấp giống, cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Nếu không có hoài bão và niềm tin khoa học, cộng với trải nghiệm thực tế, GS. Hoàng Hòe – nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học (Bộ NNPTNT) sẽ không dám phát ngôn: “Khả năng phát triển diện tích trồng mắc ca ở Việt Nam, tôi đánh giá cao hơn ở Trung Quốc, cao hơn ở Thái Lan, cao hơn ở Úc, thậm chí có thể gấp 10 lần Úc. Hiện nay Úc có 20.000ha, Việt Nam sẽ có 200.000ha... Tuy nhiên, về chất lượng thì phải học hỏi Úc rất nhiều, và chúng ta sẽ làm. Tôi tin người Việt mình có thể làm được”.

Ngay cả ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, một đơn vị dám khẳng định sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng cho phát triển ngành mắc ca ở Tây Nguyên trong 5 năm tới, bên cạnh lợi ích của Ngân hàng này, ông còn bày tỏ khát vọng được hỗ trợ người dân Tây Nguyên làm giàu bền vững trên mảnh đất của họ, và hoài bão sẽ góp phần xây dựng Tây Nguyên thành một “thủ phủ mắc ca Đông Nam Á.

Ở tầm chỉ đạo chiến lược, hoài bão ấy khi được tích hợp thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, quy luật thị trường và quyết tâm chính trị từ cấp cao, sẽ hình thành đường hướng rõ ràng và mạnh mẽ. Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong vai chủ trì hội thảo về chiến lược phát triển mắc ca (Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 7.2.2015), đã yêu cầu thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc-ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm mắc-ca; chú trọng ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ; có chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi nguồn vốn cho việc phát triển cây mắc ca; tiến hành xúc tiến thương mại, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm mắc-ca ở thị trường trong và ngoài nước… đưa Việt Nam sớm trở thành một trong những cường quốc về mắc ca trên thế giới.

“Nên trồng mắc ca”  - điểm gặp nhau quan trọng nhất

Ở chiều phản biện và cảnh báo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng có một khát vọng lớn, không phải cho chính họ, mà cho chính những người nông dân và lãnh đạo địa phương, là lời nhắc tiếp cận tỉnh táo, giảm tối đa thiệt hại và trục lợi từ “phong trào mắc ca”. Phản biện càng sắc sảo, thuyết phục, thì hoài bão càng gần với hiện thực cuộc sống.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam (người ủng hộ nồng nhiệt việc đưa cây mắc ca thành cây trồng chiến lược ở Tây Nguyên) có một phát hiện thú vị: Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả các ý kiến phản biện, cảnh báo và đánh giá kết quả khảo nghiệm về mắc ca đều nhất trí ở một điểm là nên trồng mắc ca. “Đấy là một kết luận quan trọng” – chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đánh giá.

img

Cây mắc ca có tên khoa học là Macadamia – một giống cây có hạt giàu chất dinh dưỡng, xuất xứ từ Australia, được một số chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam quan tâm nghiên cứu từ 20 năm trước.

Và cũng gần như cùng thời gian, loại cây này được Bộ NNPTNT giao cho ngành lâm nghiệp nghiên cứu khảo nghiệm. Tuy nhiên, sau 20 năm, các cơ sở nghiên cứu nhà nước vẫn chưa đưa ra một kết luận đầy đủ và chưa bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trong việc đưa cây mắc ca vào danh sách cây lâm nghiệp chính, hay cây trồng chiến lược cho khu vực Tây Nguyên – nơi có đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển loại cây này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem