Phát triển cây mắc ca tại Việt Nam: Phải có thông tin nhiều chiều

Thanh Xuân – Đình Thắng Thứ sáu, ngày 05/06/2015 10:12 AM (GMT+7)
Ngày 4.6, tại Hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam” do Bộ NNPTNT phối hợp với Đại sứ quán Úc tổ chức, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, muốn phát triển cây mắc ca không thể vội vàng, cần có bước đi bài bản và vững chắc. 
Bình luận 0

Nhiều câu hỏi cần thời gian trả lời

Ông Cao Chí Công- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đến năm 2014 cả nước có hơn 2.000ha mắc ca, được trồng ở 2 khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. “Để phát triển mắc ca phải trả lời rõ các câu hỏi trồng giống nào, trồng như thế nào, trồng ở đâu, trồng bao nhiêu thì đủ, tiêu thụ sản phẩm mắc ca ở đâu, hiệu quả kinh tế mang lại của cây mắc ca so với các cây trồng khác như thế nào… Muốn vậy, phải có thông tin nhiều chiều, chính xác, từ đó làm cơ sở cho cơ quan quản lý quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển đúng đắn về cây trồng này”- ông Công nói.

img
Học viên thực hành ghép cây mắc ca tại Trại giống cây trồng cạn Mường      Hồng, Mai Sơn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Vân Anh
Theo Bộ NNPTNT, mắc ca là một cây dài ngày đã du nhập vào Việt Nam 20 năm nay, trong thời gian đó chúng ta vừa nghiên cứu khảo nghiệm vừa trồng thực nghiệm tại một số địa bàn, và đến thời điểm này có thể khẳng định, Việt Nam có thể trồng và phát triển mắc ca. Là đơn vị được Bộ NNPTNT giao nghiên cứu về cây mắc ca, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, mắc ca là một loại cây trồng rất có tiềm năng, luôn có thị trường tiêu thụ (nội địa, xuất khẩu) và đã chứng tỏ thích hợp với một số vùng sinh thái ở Việt Nam. Tập trung ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao như ở Đăk Lăk (Tây Nguyên) và Sơn La (Tây Bắc). Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục đánh giá về khả năng ra quả ổn định ở vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ trước khi phát triển. Mặt khác, cần quy hoạch đến tiểu vùng chi tiết, chú ý đến các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù như gió Lào, sương muối, mưa phùn và bão…

Quan trọng nhất khâu chế biến

Ông Jolyon Burnett - Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc cho biết, Úc là một trong những nước đi đầu về phát triển mắc ca và có bề dày kinh nghiệm về loại cây trồng này. “Hiện tại, cầu đã vượt cung, nên chúng ta có thể tiếp tục phát triển mạnh loại cây trồng này. Nhu cầu thị trường về mắc ca khoảng 2 tỷ bảng Anh, nhưng hiện chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng vài trăm nghìn bảng, nên vẫn còn tiềm năng để phát triển cây trồng này”- ông Jolyon Burnett nói.

Theo ông Jolyon Burnett, ở Úc, trong 10 năm qua có khoảng 1.000ha trang trại trồng mắc ca mới phát triển. Khó khăn lớn nhất ở Úc chủ yếu là giá đất. Nếu trồng 1ha mắc ca người dân phải chi khoảng 1.000 đô la Úc (tiền thuê đất) và cần thêm 30.000 đô la nữa để phát triển 1ha mắc ca đó. Như vậy, người trồng phải mất khoảng 30 năm nữa mới thu lại được số tiền đầu tư. Điều đó lý giải vì sao số lượng trang trại trồng mắc ca tăng chậm.

Cũng theo ông Burnett, rút kinh nghiệm từ cà phê, hạt điều… là sản phẩm mà Việt Nam đang đứng ở tốp đầu thế giới, nhưng lại không có thương hiệu, mắc ca cần đảm bảo làm sao xây dựng được thương hiệu mắc ca của Việt Nam. Muốn làm được điều này, Việt Nam có thể học hỏi được mô hình của Úc là sự gắn kết giữa người trồng, chế biến tạo ra nghiệp đoàn có tiếng nói chung để cùng phát triển cây trồng này.

Còn theo ông Brice Kaddatz – chuyên gia kỹ thuật Úc, chất lượng mắc ca được quyết định từ các vùng trồng, từ giống mắc ca và điều kiện chăm sóc phát triển mắc ca. Vì vậy, chúng ta phải tập trung kiểm soát chặt chẽ từng khâu trong chuỗi sản xuất từ giống, quy trình kỹ thuật, sơ chế, bảo quản, chế biến...

Liên quan tới vấn đề này, ông Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, trong việc phát triển và tiêu thụ mắc ca, khâu chế biến rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Mắc ca sau thu hoạch đòi hỏi phải đưa vào chế biến ngay, muốn xây dựng cơ sở chế biến công suất 10.000 tấn/năm, cần đầu tư 60 triệu USD. Nếu doanh nghiệp không tham gia vào khâu này, thì sản xuất của người dân cũng gặp rất nhiều rủi ro.

Trung Quốc tiêu thụ 90% sản lượng mắc ca

Theo số liệu công bố tại hội thảo, năm 2014, khoảng 70% khối lượng hạt mắc ca trên phạm vi toàn cầu được tiêu thụ tại các thị trường gồm: Trung Quốc Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản, Brazil. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ đến 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ. Tổng sản lượng mắc ca toàn cầu đã tăng 12%, so với cùng kỳ 2013 và đạt 152.000 tấn. Chỉ tính riêng Úc và một số nước ở châu Phi cung cấp từ 15.000 đến 17.000 tấn/năm.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: 10.000ha là diện tích định hướng

Việc Bộ NNPTNT đưa ra 10.000ha diện tích trồng mắc ca mới là định hướng, trên cơ sở quản lý và kiểm soát được nguồn giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và trên cơ sở dự báo từ nay đến 2020. Nếu không có đột biết thì lượng giống chỉ đủ trồng cho 10.000ha nên chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện định hướng này. Chúng tôi cũng thiết tha đề nghị người trồng cây mắc ca, hơn ai hết hãy cố gắng thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, lựa chọn giống tốt, có nguồn gốc, nếu trồng giống không rõ nguồn gốc, rủi ro xảy ra, người thiệt hại đầu tiên chính là nông dân. 

 Theo tôi, muốn phát triển sản xuất mắc ca, dứt khoát phải gắn với thị trường chế biến, bảo quản. Hiện các cơ sở chế biến cho biết, khi hạt mắc ca rụng xuống, trong 24 giờ sau khi thu hoạch phải tách lấy hạt và sau 3 giờ phải đưa vào sấy, sau đó bảo quản trong kho đặc biệt, bảo đảm nhiệt độ thích hợp, không quá 16 độ C. Đồng thời, cần đảm bảo độ ẩm không quá 10% mới bảo quản được tốt. Muốn làm được thế, điều kiện sản xuất, chế biến phải đi liền với nhau, từ doanh nghiệp chế biến đến nông dân, nếu không làm tốt khâu liên kết thì giá của mắc ca không khéo lại lặp phải bài học của Nam Phi. Theo tôi được biết, dù Nam Phi họ sản xuất sản lượng và năng suất còn cao hơn Úc nhưng thu nhập của họ chỉ bằng ½ so với Úc là do không làm tốt thu hoạch, bảo quản, phân loại. Thậm chí, nếu không thu hoạch, bảo quản tốt thì chúng ta trồng mắc ca còn không tiêu thụ được. 

 Ngoài ra, nếu  không tính đến liên kết theo chuỗi, quản lý được sản phẩm có chất lượng thì ngành mắc ca sẽ có rất nhiều rủi ro.  Chính vì chưa trả lời được thoả đáng câu hỏi này nên quy hoạch ngành hàng mắc ca đã bị kéo dài suốt 3 năm nay. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là phát triển mắc ca một cách bền vững, để người dân có thu nhập cao hơn chứ không để doanh nghiệp và người trồng mắc ca chịu rủi ro”.

Thắng Xuân (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem