Nên ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách
Mới đây, theo Công văn số 108/CV-HHMĐ do ông Lê Hồng Thái - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị tiếp tục hoãn thời hạn thực thi Hiệp định ATIGA nhằm giải quyết những khó khăn cho ngành mía đường hiện tại.
Thông tin từ VSSA, niên vụ 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp giá đường mía trong nước giảm mạnh, tình trạng sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà máy đường giảm sút, thua lỗ trầm trọng. Từ niên vụ 2015-2016, có 17/30 nhà máy đường trên cả nước thua lỗ nghiêm trọng, nhiều nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu.
Trước những khó khăn trên, sức ép đối với với ngành đường Việt Nam sẽ nặng thêm khi có “quả tạ” ATIGA bởi đường nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa nhiều hơn với giá rất rẻ do không phải chịu thuế.
Lượng hàng tồn kho ngày một nhiều, vùng trồng mía bị thu hẹp, hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) cận kề khiến nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản.
Trước đó, năm 2016, VSSA đã từng một lần xin gia hạn hiệp định này vào ngày 1/1/2020 và được chấp thuận, thay vì đầu năm 2018. Với lần xin gia hạn này, nhiều ý kiến cho rằng không biết cần thêm bao nhiêu thời gian để vực dậy ngành mía đường, DN đủ sức, tự tin để cạnh tranh?
Trao đổi với Dân Việt, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho biết, việc lùi thời hạn thực thi hiệp định ATIGA cũng là một phương án có thể xem xét nhưng cần cẩn trọng và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt.
“Việc lùi thời hạn thực thi ATIGA là khá phức tạp vì chúng ta đã lùi một lần rồi. Theo tôi, bên cạnh việc hoãn thực thi hiệp định ATIGA cần cẩn trọng và đánh giá, phối hợp với các giải pháp cấp bách khác cần làm ngay, ví dụ như chống buôn lậu, gian lận thương mại trong ngành đường, nâng cao năng lực cạnh tranh DN.” TS. Võ Trí Thành nói.
Theo TS. Võ Trí Thành, các đơn vị có liên quan phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. Nhà máy nào chết và cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì nhập khẩu theo hạn ngạch hay vì nhập lậu? Nếu nhập lậu thì chúng ta có giải pháp hay không?
Nghiên cứu này không tỉ mỉ nhưng cần thiết để cứu khó cho ngành mía đường trong bối cảnh hiện nay. Trong trường hợp phải tiến tới đàm phán lại, Bộ Công Thương cần nghiên cứu lại để từ đó có những chuẩn bị cho việc đàm phán lại.
TS. Võ Trí Thành cho rằng bên cạnh việc nghiên cứu lùi thời hạn ATIGA, cần quyết liệt chống buôn lậu để cứu ngành mía đường
“Theo tôi cần tìm hiểu các tác động về vấn đề xã hội từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, đánh giá năng lực các nhà máy, đặc biệt là các đơn vị đang gặp khó khăn. Vấn đề dài hạn là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam chứ không phải chỉ lùi thời hạn thực thi hiệp định một hay nhiều năm.” TS. Võ Trí Thành thông tin thêm.
Thực thi ATIGA sẽ khiến DN mía đường phá sản hàng loạt?
Ngày 20.02.2019, Bộ Công thương đã có Văn bản số 1034/BCTXNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020.
Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, việc trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến 1/1/2020 là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương đối với ngành mía đường.
Cũng theo thông tin từ bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là "không thể trì hoãn được nữa". Điều này có nghĩa, sau ngày 1/1/2020 đường trợ giá của Thái Lan với mức giá dự kiến 8.000 – 9.000 đ/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Các DN mía đường đầu tư hàng trăm tỉ đồng nâng cấp máy móc trang thiết bị sản xuất nhưng vẫn phải chịu lỗ "đau".
Tuy nhiên, theo phản ánh của VSSA, sau 2 năm trì hoãn, ngành mía đường Việt Nam đến nay vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc thực thi cam kết ATIGA, đặc biệt trong bối cảnh mà đường lậu đang tràn lan, không kiểm soát, lấn át, giết chết đường nội.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sự chuẩn bị của toàn ngành mía đường cho mốc thời điểm ngày 1/1/2020 xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường chưa đủ độ “chín”.
Đặc biệt, theo phân tích của ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký VSSA, thì hiện nay, ngành mía đường Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn, thiếu công bằng từ chính ngành đường Thái Lan. Không chỉ ảnh hưởng bởi lượng lớn đường lậu từ Thái Lan đang tuồn vào Việt Nam với giá rất rẻ, mà xét ở tầm vĩ mô, chính sách hỗ trợ, bảo trợ của Chính phủ Thái Lan cho nông dân trồng mía nước này luôn tốt hơn nhiều so với Việt Nam, do đó ngành đường Thái Lan có nhiều lợi thế lớn mà Việt Nam không có.
"Giá đường Thái Lan rẻ hơn so với giá đường Việt Nam không hẳn vì sản xuất của họ hiện đại hơn mà là do Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân của họ, trong khi điều này ở Việt Nam chưa làm được. Do đó, nếu mở cửa theo cam kết ATIGA vào lúc này, chúng ta sẽ khó cạnh tranh được với đường Thái Lan, các doanh nghiệp ngành đường sẽ phá sản", ông Lộc phân tích.
Mới đây, trong công văn của VSSA gửi bộ Công thương cũng đề cập rằng, cam kết ATIGA có hiệu lực khi các khúc mắc trong hệ thống sản xuất, tiêu thụ đường Việt Nam chưa được giải quyết dẫn đến việc các doanh nghiệp đường, các hộ gia trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phải phá sản quy mô lớn.
Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương cho phép tạm thời sửa đổi hoặc ngừng các cam kết theo điều khoản số 23 của Hiệp định ATIGA. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, khả năng trì hoãn hiệp định theo đề xuất này không lớn. Do đó, về lâu dài, vẫn rất cần có một giải pháp căn cơ, với những chính sách hỗ trợ tốt hơn Chính phủ đối với ngành đặc thù này.
Điều khoản số 23, Hiệp định ATIGA: “Trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài quy định trong Điều 86 (Tự vệ), Điều 10 (BOP), và Điều 24 (Xử lý Nghị định thư về Gạo và Đường) khi một Quốc gia Thành viên gặp phải những khó khăn không lường trước khi thực hiện các cam kết thuế, Quốc gia Thành viên đó có thể yêu cầu tạm thời sửa đổi hoặc ngừng cam kết trong lộ trình cam kết trong Điều 19 (Cắt giảm hoặc Loại bỏ Thuế quan)”. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.