Thực hiện trên... giấy
Theo điều tra của phóng viên NTNN, tình trạng khai thác đất, đá ở núi Đồng Hàn thuộc địa bàn xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà và xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh diễn ra ồ ạt. Đặc biệt sau khi có quyết định dừng khai thác, công tác phục hồi và cải hoán môi trường tại các mỏ này chỉ thực hiện… trên giấy.
Mặc dù mỏ đất tại núi Đồng Hàn đã đóng cửa nhiều tháng qua nhưng Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hà Mỹ Hưng và Hợp tác xã Núi Hồng vẫn khai thác bốc đất đi bán dưới chiêu bài cải hoán môi trường. Ảnh: H.A
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Mai Đào ở xóm 4, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà cho biết: “Ngay ở núi Động Hàn có 4 DN khai thác khoáng sản như đất, đá, nhiều chuyến xe chở quá trọng tải khiến đất bụi, đá rơi vãi ra đường gây mất an toàn giao thông, tiếng mìn nổ inh tai khiến trẻ con sợ hãi”.
Không chỉ vậy, theo ông Đào: “Người dân thôn 4 đã nhiều lần phản ánh việc ô nhiễm do khai thác đá, nhưng không có chuyển biến gì. Bà con chặn xe chở đất, đá yêu cầu phun nước để tránh bụi đường, dùng tấm che không cho đất đá rơi vãi, nhưng chỉ được vài hôm lại tái diễn như cũ”.
Đặc biệt, trước ý kiến của cử tri huyện Lộc Hà tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI về việc khai thác đất, đá không đúng quy định và ồ ạt, khai thác sâu quá mức cho phép, không cắt tầng khai thác theo thiết kế được duyệt gây ô nhiễm, mất an toàn và mất mạch nước ngầm tại xã Hồng Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Tĩnh đã kiểm tra và đóng 3 cửa mỏ, đồng thời yêu cầu các DN khẩn trương trồng cây xanh phục hồi môi trường, cắm biển báo khu vực có nguy cơ mất an toàn tại các cửa mỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TNMT Hà Tĩnh, tỷ lệ cây sống và mật độ không đồng đều, chưa đạt yêu cầu theo quy định.
Sở TNMT Hà Tĩnh đã kiểm tra và tiến hành đóng 3 cửa mỏ, đồng thời yêu cầu các DN khẩn trương trồng cây xanh phục hồi môi trường, cắm biển báo khu vực có nguy cơ mất an toàn tại các cửa mỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TNMT Hà Tĩnh, tỷ lệ cây sống và mật độ không đồng đều, chưa đạt yêu cầu theo quy định.
|
Ký quỹ môi trường quá ít
Ngày 21.7, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đặng Ngọc Anh-cán bộ địa chính xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà thừa nhận: Đối với mỏ đất của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hà Mỹ Hưng và Hợp tác xã Núi Hồng tại núi Động Hàn thuộc địa bàn xã Hồng Lộc, ngày 26.4.2014, Sở TNMT đã thông báo giấy phép hết hiệu lực và yêu cầu thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai sau khai thác theo quy định của pháp luật. Hiện 2 đơn vị này đã dừng khai thác và lập hồ sơ đóng cửa mỏ trình Sở TNMT xem xét. Sở TNMT cũng đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ cho 2 đơn vị. “Tuy nhiên đến nay 2 đơn vị trên chưa trồng được cây nào, việc cải hoán môi trường chỉ trên báo cáo”-ông Anh cho biết thêm.
Còn ông Đặng Thọ Liễu- Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho hay: “Ngay tại mỏ đất tại thôn Tân Trung Sơn, xã Tùng Lộc do quá trình khai thác không khoa học nên việc cải hoán môi trường không dễ, đặc biệt là việc đào các moong mỏ rất sâu nên mặc dù mỏ này đã bị đóng cửa rồi nhưng việc cải hoán môi trường rất khó thực hiện. Thời gian vừa qua rất nhiều người dân ở xã giáp ranh Hồng Lộc phản ánh tình trạng mất mạch nước ngầm”.
Cũng theo ông Liễu, ngày 12.11.2015, Sở TNMT phối hợp Sở Xây dựng, UBND huyện Can Lộc, UBND xã Tùng Lộc kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ đất (lần 2) tại thôn Tân Trung Sơn của Công ty TNHH Đức Lợi Hà Tĩnh. Qua kiểm tra cho thấy công ty đã thực hiện công tác đóng cửa mỏ, tuy nhiên cây trồng tỷ lệ sống và mật độ không đồng đều, chưa đạt yêu cầu theo quy định. Lý giải về điều này ông Liễu cho hay: “Việc hoàn trả môi trường không như mong muốn vì việc ký quỹ Môi trường mà Công ty TNHH Đức Lợi Hà Tĩnh thực hiện chỉ có 35 triệu đồng”-ông Liễu nói.
Phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể phủ nhận ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ những bất cập và để lại quá nhiều hệ lụy cho môi trường xung quanh. Trong khi đó, công việc hoàn thổ sau khai thác cũng là vấn đề gây bức xúc cho nhiều địa phương. Tôi nghĩ trách nhiệm của cơ chức năng ngoài việc cấp phép cho các cơ sở khai thác, cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác của họ theo quy định của pháp luật. Cơ sở nào làm sai phải bị thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm.
Bạn đọc Hoàng Công Lý (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)
Việc cấp phép cho nhiều cơ sở khai thác khoáng sản những năm gần đây khiến dư luận không khỏi nghi ngờ và bức xúc. Có cơ sở được cấp phép nhưng thực tế họ không có đủ năng lực khai thác nên “bán cái” cho các cơ sở khác. Và ở đây, giấy phép khai thác được coi như một thứ hàng hóa mua đi bán lại, tạo nên một sâu chuỗi tiêu cực. Nhiều nơi, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám xát và bắt buộc các cơ sở phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đã đến lúc đơn vị cấp phép và chính quyền địa phương phải kết hợp trong việc kiểm tra, giám sát việc khai thác của các cơ sở, yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật .
Bạn đọc Chu Văn Thành (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên)
Chế tài xử lý hành chính hành vi vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên được quy định tại Điều 34, Nghị định 179/2013/NĐ-CP mức cao nhất là 250 triệu đồng là quá nhẹ; quy định xử lý hình sự tại Điều 172 Bộ luật Hình sự thì chưa thật rõ ràng, trong khi đó hậu quả từ những hành vi vi phạm dẫn đến ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái lại rất nặng nề. Cần bổ sung hành vi khai thác khoáng sản không phục hồi môi trường phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có như thế mới ngăn chặn được tình trạng này.
Bạn đọc Phạm Hồng Hải (Thanh Liêm, Hà Nam)
Minh Quang – Lê Chiên (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.