Hoàng Ngọc Hiến - Người phá bỏ lối mòn

Thứ tư, ngày 26/01/2011 16:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Hoàng Ngọc Hiến là một hiện tượng phê bình sáng giá của văn học VN cuối thế kỷ XX. Anh thực sự là một nhà lý luận phê bình mới, với nhiều khám phá có tính “nổi loạn”, làm thay đổi tư duy lạc hậu độc tôn trong văn học chính thống một thời...
Bình luận 0

Giáo sư ngoài hội đồng

img

Các học trò tổ chức lễ mừng sinh nhật thầy Hoàng Ngọc Hiến tròn 80 tuổi (TS Hiến ngồi thứ 3 từ phải qua) .

Mới đây, TS Hoàng Ngọc Hiến bị đau và được đưa vào bệnh viện mới biết là ung thư đại tràng. Các bác sĩ đã cắt đi của anh nửa mét ruột. Sau khi mổ để đưa ống dẫn khí thở vào phế quản, anh bị hôn mê, hàng ngày phải truyền máu và thuốc thang. Bệnh viện đã dùng những loại thuốc tốt nhất để cứu chữa cho anh…

Dẫu biết không còn phép nhiệm màu nào để giữ Thầy lại trên cõi đời này nữa, nhưng tôi thật đau lòng khi nhận được tin nhắn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất lúc 23 giờ ngày 24-1-2011”.

Hoàng Ngọc Hiến không được hội đồng nào phong học hàm giáo sư, nhưng rất nhiều người trong và ngoài nước gọi anh là giáo sư. Tôi nghĩ đó là một vinh dự lớn đối với anh, bởi hàm giáo sư của anh đã được một “hội đồng ngoài hội đồng” phong tặng, như một sự hiển nhiên công nhận... Là một người sáng tác, tôi học được ở Hoàng Ngọc Hiến nhiều điều quý giá.

Lý luận phê bình của anh có tác dụng thức tỉnh tư duy sáng tạo của người sáng tác. Anh đánh thức u mê mòn cũ, anh mở ra những tự do mới cho nhà văn để hướng ngòi bút vào sự thật của thời đại. Anh rất nhạy cảm và luôn phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa lớn.

Vì thế, tôi đọc từ anh những Nguyễn Du, Maiakovsky, Juylieng... Ở anh có một quá trình vượt thoát từ người trí thức cán bộ, đến trí thức bình dân rồi trở thành một trí thức bình dân nhưng uyên bác. Xin tri ân anh về những gì anh truyền lại cho thế hệ chúng tôi, những học trò Trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên, do anh làm chủ nhiệm.

“Bài thơ chỉ viết một lần”

Đối với riêng tôi, anh luôn có những quan tâm đặc biệt. 15 năm tôi rời lớp học của anh về công tác ở Khu IV, anh luôn dành cho tôi những cuộc gặp gỡ đàm đạo về văn chương không biết chán. Lần nào về Hà Nội, dù vội vàng mấy, tôi cũng có một buổi ngồi với anh, khi ở nhà riêng, khi trong quán rượu.

Khi thì anh say sưa nói về mỹ học – đạo đức học mới, khi anh nói về triết học Đông Tây, đôi lúc anh nói về tính “căn bản văn hóa”, có khi anh lại nói về Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… Và tôi nhớ nhất là những khi anh nói với tôi về... tôi.

Có lần không tìm được anh, tôi trở lại Khu IV và viết một bài thơ trên máy chữ gửi anh. Bài thơ như một sự chia sẻ với anh những ngày tháng gian nan, muốn khẳng định cuộc đời cũng như bài thơ, chỉ có một văn bản, chỉ một lần công bố, đó là “bài thơ không cho phép sửa chữa”.

Anh Hiến cũng như bài thơ “chỉ viết một lần”. Bài thơ của tôi đã được in trong tập “Thơ trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống”. Chị Nga, người suốt đời “nâng khăn sửa túi” cho anh Hiến đã photocopy bài thơ làm nhiều bản mang về quê tặng họ hàng.

TS Hoàng Ngọc Hiến là một nhân vật đặc biệt trong giới nghiên cứu – lý luận – phê bình văn học VN. Một tầm cỡ lớn. Một học giả uyên bác như một cuốn “từ điển bách khoa” văn học sống. Một nhân cách đáng trọng. Với quan niệm: “Tôi viết phê bình văn học là để làm sáng giá tác giả và sáng giá tác phẩm văn học”, ông đã suốt đời cống hiến sự minh triết cho văn học VN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem