Học trồng và chăm cây cảnh để tăng thu nhập

Thứ ba, ngày 13/09/2011 17:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có kinh nghiệm trồng hoa vài chục năm nay, nhưng nhiều hộ ở 2 xã Tây Tựu, Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn đăng ký học nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh.
Bình luận 0

Ngày khai giảng lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh do Trường Trung cấp nghề T.Ư Hội NDVN phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện Từ Liêm tổ chức mới đây ở 2 xã Tây Tựu và Thụy Phương đã thu hút hàng trăm ND tham dự. Ngoài số ND là học viên của lớp, nhiều người tới đây để nghe tư vấn về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn.

img
Phần lớn thời gian của khoá học, học viên thực hành trên cây cảnh.

Thêm kiến thức, thêm thu nhập

Cũng như bao người dân của xã Tây Tựu, gia đình anh Chu Văn Toàn (thôn 1) bao năm nay gắn bó với nghề trồng hoa. Đất trong xã không còn, những người như anh Toàn phải đi thuê đất ở các xã trong và ngoài huyện để mở rộng diện tích.

“Môi trường đang bị ô nhiễm. Hơn nữa, mặt bằng thu nhập từ trồng hoa mấy năm gần đây bấp bênh do ảnh hưởng thời tiết, khó chạy theo kịp nhu cầu của thị trường. Muốn chuyển dần từ trồng hoa sang trồng cây cảnh nên tôi đăng ký theo học khoá dạy nghề này”- anh Toàn cho biết.

Cũng như anh Toàn, anh Đặng Trường Đào (thôn 2, xã Tây Tựu) tham gia lớp học để chuyển đổi một phần diện tích trồng hoa sang trồng cây cảnh. Nhà anh Đào có 1 mẫu đất chuyên trồng hoa, trong đó phần lớn diện tích anh thuê tại xã Trung Đích, huyện Đan Phượng. “Học lớp nghề này là tôi muốn chuyển diện tích trồng hoa của gia đình ở Tây Tựu sang làm cây cảnh. Tính chuyện đa dạng thêm thu nhập trong bối cảnh thị trường hoa có vẻ như đang có xu hướng bão hoà...”.

Học vì nhu cầu

Bà Chu Thị Hoà- Phó phòng LĐTBXH huyện Từ Liêm cho biết: “Tự người dân xác định là mình có nhu cầu học nghề gì cho phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Trước khi bước vào học nghề, ND đều được tư vấn về chính sách dạy nghề của Nhà nước để từ đó có quyết định học nghề gì. Lớp dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh là 2 lớp dạy nghề đầu tiên cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Từ Liêm theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ”.

img Tự người dân xác định là mình có nhu cầu học nghề gì cho phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Trước khi bước vào học nghề, ND đều được tư vấn về chính sách dạy nghề của Nhà nước để từ đó có quyết định học nghề gì. img

Xuất phát từ nhu cầu thiết thân của gia đình, nên 70 học viên tham gia 2 lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh xã Tây Tựu và Thụy Phương rất nghiêm túc trong qua trình theo học. Anh Chu Văn Toàn cho biết: “Người dân Tây Tựu vốn chăm chỉ. Anh tính, mỗi ngày chúng tôi kiếm ra cả trăm bạc, đâu rỗi hơi để bỏ công bỏ việc theo học lớp nghề này cho vui hoặc để nhận được mấy đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước”.

Lớp học tổ chức ở xã Tây Tựu, phần lớn các học viên tham gia đều là những người đã ít nhiều có vài ba năm trồng cây cảnh và là thành viên của Hội Sinh vật cảnh. Nhưng theo anh Toàn, để làm theo hướng kinh doanh thì không thể dựa vào kinh nghiệm hay cách làm mò mẫm mà phải học đàng hoàng.

“Nhìn vào cây cảnh chỉ biết là nó chưa hoàn thể thôi, chứ để làm cho hoàn thể và tạo thế, dáng theo thị hiếu và đúng cách thì phải học chứ”- anh Toàn chia sẻ. Nghề trồng và chăm sóc cây cảnh không chỉ được những người muốn đa dạng hoá thu nhập ở xã Tây Tựu lựa chọn mà còn thu hút các lao động trung và cao tuổi.

Ông Nguyễn Viết Phong (58 tuổi) ở xóm Trại tâm sự: “Công việc đồng áng nặng nhọc tuổi tôi không kham được nữa để con cháu làm thôi. Tôi học cái nghề trồng cây cảnh là hợp với sức lực của tuổi già...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem