Hội An phảng phất hồn xưa

Chủ nhật, ngày 18/07/2010 05:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bên trong, bên ngoài, xuyên suốt và bao trùm lấy các di tích cổ là nhịp sống thong thả của người Hội An và các hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian, chợ đêm diễn ra thường xuyên.
Bình luận 0
img
Từ trong Chùa Cầu nhìn ra khu phố mang phong cách Nhật Bản.

Trong quần thể như thế hồn vía xưa vẫn thấm đượm trong những gì còn giữ gìn được, đang hoà lẫn một cách tự nhiên vào nhịp sống của đương đại.

Đi du lịch phố cổ Hội An của xứ Quảng nếu cứ lướt lướt ở giữa đường, vội vàng mua quà lưu niệm rồi "đánh chén" thì cũng chẳng khác xem mấy thước phim ngắn trên TV. Đến đây, có lẽ phải "nằm vùng" vài ngày mới thu nhận được hết những tín hiệu văn hoá đời xưa gửi lại.

Nằm rải rác trong quần thể phố cổ, có 18 điểm đến được xác định tiêu biểu, ngoài ra còn rất nhiều địa danh độc đáo khác. Nhưng trong thời gian ngắn, du khách cũng có thể đi dăm sáu chỗ để nhận ra nhiều thú vị.

Như Chùa Cầu vốn nối hai khu vực sinh sống và kinh doanh của người Nhật và người Hoa xưa; Bảo tàng lịch sử văn hoá mang cái nhìn khái quát về văn hoá vùng từ nguyên thủy và tiến trình hình thành "vùng thương mại" Hội An danh tiếng; Xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ và biểu diễn nghệ thuật cổ truyền; Miếu Quan Công - đức thánh bảo trợ cho nghề buôn bán... cùng một loạt nhà cổ mà các thế hệ sau vẫn giữ được cái nếp thanh nhã, lịch thiệp từ đời các cụ. Nhà cổ Tấn Ký là một ví dụ.

Nhà Tấn Ký đến nay đã có 7 thế hệ cư ngụ với nhiều chứng tích cho sự phồn thịnh trong giao thương với nước ngoài. Ngôi nhà ghép toàn bằng mộng gỗ này là sự tổng hợp thú vị bởi cụ chủ nhà xưa là người gốc Hoa, lập nghiệp ở Hội An và giao thương với người Việt, người Nhật nên ngôi nhà có sự hài hoà phong cách kiến trúc của cả ba nước.

Xưa nay, phố cổ Hội An thường bị ngập lụt, nên nhà Tấn Ký cũng như các nhà khác, có nhiều ròng rọc để kéo hàng hoá, đồ đạc lên cao và sinh hoạt trên gác, nước rút lại hạ xuống. Trên một bức vách gỗ có ghi những vạch đánh dấu mức nước lụt qua nhiều năm, nhiều vạch cao quá cả đầu người. Rất đông du khách từ nhiều nơi trên thế giới đã đến đây, gài danh thiếp kín cả một tấm cửa dẫn vào bếp.

Cũng kết nối phong cách xây dựng, là biểu trưng cho giao thoa văn hoá VN, Nhật Bản, Trung Quốc, người ta nhắc đến Chùa Cầu. Người Nhật bắc cầu đầu thế kỷ XVII để thông thương, hai đầu cầu có tượng thần hầu và thiên cẩu trấn giữ. Về sau người Việt, người Hoa tiếp tục trùng tu và xây thêm miếu thờ thần Bắc đế Trấn Võ.

Bên trong, bên ngoài, xuyên suốt và bao trùm lấy các di tích cổ là nhịp sống thong thả của người Hội An và các hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian, chợ đêm diễn ra thường xuyên. Trong quần thể này với tất cả những rung động của nó, không thể toàn vẹn tất cả theo thời gian, nhưng hồn vía xưa vẫn thấm đượm trong những gì còn giữ gìn được, đang hoà lẫn một cách tự nhiên vào nhịp sống của đương đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem