Khi lợn mắc bệnh, người chăn nuôi mong làm sao có thể khống chế được dịch bệnh và đem lại hiệu quả cao. Tại buổi hội thảo về vấn đề trên, cán bộ kỹ thuật Công ty VIC đã giúp bà con chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng và cho người chăn nuôi lợn trên cả nước nói chung bớt đi gánh nặng, có thêm kiến thức bổ ích và có thể chủ động hơn trong vấn đề nhận biết, phòng, điều trị bệnh.
Trước tiên, người chăn nuôi nên nắm được một số bệnh tiêu chảy cần chú ý ở lợn con theo mẹ đó là: Tiêu chảy do vi khuẩn E.coli; tiêu chảy do cầu trùng (đối với lợn ở 5-14 tuần tuổi); tiêu chảy do virus (có thể xảy ra đối với lợn từ 0-trưởng thành) và bệnh lỵ (đối với lợn từ 7 tuần tuổi-trưởng thành). Bệnh phát ở giai đoạn sơ sinh rất nguy hiểm, ở giai đoạn tập ăn và cai sữa là nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh ở các giai đoạn cụ thể như sau:
Ở giai đoạn sơ sinh: Thứ nhất lợn mẹ bị viêm vú, viêm tử cung, mất sữa. Thứ hai là do lợn con bị lạnh do thời tiết, lạnh do độ ẩm, lạnh do không úm hoặc úm không tốt. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu chảy ở lợn con. Thứ ba là chăm sóc lợn mẹ không tốt, thức ăn cho lợn mẹ không tốt, đỡ đẻ không tốt và không cung cấp đủ nước uống. Thứ tư là chuồng nuôi bị ô nhiễm. Ở giai đoạn tập ăn là do: Chọn thức ăn tập ăn không tốt; tập ăn không đúng phương pháp; nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Ở giai đoạn cai sữa là do: Cai sữa không đúng phương pháp; cho ăn quá nhiều, không dùng men và kháng sinh hỗ trợ.
Về triệu chứng bệnh:
Bệnh viêm dạ dày truyền nhiễm (TEG) do virus Coronavirus: Lợn ở mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm nhưng chủ yếu ở đàn heo sơ sinh đến 2 tháng tuổi. Đối với lợn con theo mẹ thì nôn mửa, tiêu chảy, phân màu vàng ghi, có cặn sữa, lợn khát nước, mắt trũng sâu, lông xù. Lợn chết nhanh trong vòng từ 2-5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Những con sống qua 6-8 ngày thường hồi phục và khỏe trở lại. Tiêu chảy lan nhanh toàn đàn. Đối với lợn nái, nếu nhiễm ngay hoặc sau khi đẻ bị sốt, tiêu chảy, xanh xám, nôn mửa, giảm hoặc mất sữa.
Bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus chủ yếu gặp ở lợn từ 1- 6 tuần tuổi. Lợn con từ 1-3 tuần tuổi và lợn từ 6 tuần tuổi ngay sau cai sữa: Tiêu chảy phân trắng hoặc vàng, phân đặc lại sau vài ngày và tự khỏi bệnh. Lợn có thể nôn mửa nhưng ít hơn so với TEG. Lợn thịt và lợn nái đều có thể mắc bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
Phó thương hàn là do lợn bị nhiễm khuẩn Salmonella cholerae và Salmonella typhisuis. Lợn có thể mắc ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất là ở lợn từ 1-3 tháng tuổi và gây tử vong ở lợn cao. Lợn nái mang thai bị nhiễm khuẩn không có triệu chứng bệnh nhưng thường sẩy thai.
(còn nữa)
Trần Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.