Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính

Thứ ba, ngày 24/04/2018 19:15 PM (GMT+7)
Nhà thơ Hữu Thỉnh: "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính, chúng ta kỷ niệm một người rất hăng hái trong phong trào Thơ Mới".
Bình luận 0

Sáng 24/4 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà thơ Nguyễn Bính và những người yêu thơ đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 2018).

Tham dự lễ kỷ niệm có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Lê Hữu Nam, nhà thơ Hữu Trác và nhiều nhà văn, nhà thơ khác.

img

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Tại sự kiện, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính, chúng ta kỷ niệm một người rất hăng hái trong phong trào Thơ Mới nhưng cũng là người tiên phong trở về với giá trị cội nguồn của dân tộc... Trong xu hướng trở về dân tộc, Nguyễn Bính là nhà thơ đến gần nhất với phương châm "Dân tộc, khoa học, đại chúng" của bản Đề cương Văn hoá năm 1943 của Đảng. Điều đó lý giải vì sao Nguyễn Bính đã sớm tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam. Và, sau này ông trở thành một trong những cán bộ cốt cán của văn nghệ kháng chiến Nam Bộ".

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính (1918 - 1966) quê ở tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ khi vừa tròn 3 tháng tuổi. Cha ông là ông Nguyễn Đạo Bình làm nghề dạy học nên ông được học tại nhà. Về sau cha ông bước thêm bước nữa, Nguyễn Bính được cậu là ông Bùi Trịnh Khiêm mang về nuôi nấng.

Năm 13 tuổi, Nguyễn Bính đã sớm bộc lộ tài năng thơ ca khi ông đoạt giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng. Thơ ông phần lớn là thơ tình nhưng mang một màu sắc thôn quê, dân dã riêng biệt.

Nguyễn Bính có cuộc đời long đong với nhiều lần tha hương, xa xứ. Ông trải qua 4 đời vợ, ngay cả khi ông từ trần, mộ phần của ông cũng phải mất qua 4 lần di dời mới được bình yên.

49 tuổi đời với hơn 30 năm cầm bút, Nguyễn Bính đã để lại cho đời 22 thi phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ, 5 tác phẩm kịch bản sân khấu gồm 2 kịch bản chèo, 3 vở kịch thơ và các tác phẩm văn xuôi như truyện ngắn, tiểu thuyết. Đây là những thành quả không dễ có đối với bất kỳ thi sĩ nào.

img

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính.

Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính, con gái ông - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu không giấu được xúc động: "Một đời người một đời thơ của cha tôi đã trải qua quá nhiều nổi chìm, ghềnh thác, lắm vinh quang và cũng quá nhiều cay đắng... Cảm ơn số phận vinh quang và cay đắng đã làm nên nhà thơ Nguyễn Bính sống mãi với thời gian, với quê hương đất nước. Cảm ơn tấm lòng yêu mến của đông đảo các thế hệ bạn đọc đã dành cho cha tôi. Ân tình đó đã chắp cánh cho thơ cha tôi vượt qua cái hữu hạn của một kiếp người để chạm vào cõi bất tử trong lòng bao thế hệ độc giả yêu thơ".

Tại lễ kỷ niệm, các nhà thơ, nhà nghiên cứu đã trình bày những bản tham luận về con người, cuộc đời và những đóng góp to lớn trong sự nghiệp văn học của nhà thơ Nguyễn Bính./.

Nguyễn Dung (VOV.VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem