Mô hình nuôi ghép cá chép trong ao ở Hưng Yên, con nào bắt lên cũng đẹp, cứ 1ha, nông dân thu 8,5 tấn

Thứ bảy, ngày 02/12/2023 05:45 AM (GMT+7)
Được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thành công với mô hình ghép cá chép trong ao. Mô hình này không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà còn giúp bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Ông Lương Văn Cao, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết, cá chép lai V1 phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh Hưng Yên và được các hộ nông dân đưa vào nuôi. 

Thế nhưng, hiệu quả chưa cao bởi người nuôi chưa nắm được đặc điểm sinh học cũng như quy trình nuôi, con giống mua trôi nổi trên thị trường, mật độ thả chưa cao, tỷ lệ ghép chưa phù hợp. 

Vì vậy, Trung tâm đã xây dựng mô hình "Nuôi ghép cá chép là chính trong ao" nhằm giúp nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Năm 2023, mô hình ghép cá chép trong ao được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai tại các xã Hùng An (Kim Động), Đại Tập (Khoái Châu), Tân Tiến (huyện Văn Giang), Cẩm Xã (thị xã Mỹ Hào), Quang Hưng (Phù Cừ) và phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) với 8 hộ nuôi trên tổng diện tích 8 ha. 

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% cá chép giống với số lượng 60.000 con, 47% lượng thức ăn công nghiệp (trên 35 tấn thức ăn). Thời gian hỗ trợ trong 7 tháng, từ tháng 5 đến tháng 12/2023.

Cá chép lai V1 được ghép với cá trắm cỏ, mè trắng và trôi theo tỷ lệ 60% cá chép, còn lại là các loại cá khác. Cụ thể, trên diện tích 4ha sẽ tiến hành thả 60.000 con cá chép, 24.000 con cá trắm cỏ, 24.000 con cá mè trắng và 12.000 con cá trôi; trong đó, giống đảm bảo chất lượng theo quy định của ngành được mua tại các đơn vị có chức năng sản xuất giống.

Mô hình nuôi ghép cá chép trong ao ở Hưng Yên, con nào bắt lên cũng đẹp, cứ 1ha, nông dân thu 8,5 tấn - Ảnh 1.

Năm 2023, Trung tâm khuyến nông Hưng Yên hỗ trợ 60.000 con cá chép trên diện tích 4ha, với 8 hộ nuôi. Ảnh: Quang Nhiều - TTXVN

Để mô hình triển khai có hiệu quả, Trung tâm đã cử cán bộ xuống tận ao nuôi, hướng dẫn bà con tuân thủ quy trình, kỹ thuật như xử lý ao nuôi vét bùn cải tạo, tẩy trùng bằng vôi bột, lọc nước; hướng dẫn chủ hộ cách quản lý ao nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng. 

Đồng thời, cán bộ kỹ thuật kiểm tra thường xuyên bờ ao, cống cấp thoát nước, dọn sạch rác, chất thải xung quanh khu vực ao nuôi.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng thiết bị, hóa chất, dụng cụ gây hại cho cá mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học có lợi để cải thiện môi trường ao nuôi. 

Ngoài ra, cùng với thức ăn hỗn hợp, thuốc phòng bệnh, các chủ hộ còn sử dụng thức ăn tự chế biến như: ngô, thóc ủ mầm...nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Mô hình nuôi ghép cá chép trong ao ở Hưng Yên, con nào bắt lên cũng đẹp, cứ 1ha, nông dân thu 8,5 tấn - Ảnh 2.

Sau 7 tháng nuôi cá chép sẽ đạt trọng lượng khoảng 600 gam. Ảnh: Quang Nhiều - TTXVN

Đầu năm 2023, gia đình ông Phạm Văn Thế ở xã Hùng An, huyện Kim Động được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ thả 10.500 con cá chép lai V1 trên diện tích 0,7ha. 

Nhờ tuân thủ các kỹ thuật nuôi nên tỷ lệ số của cá đạt 76%. Đến nay, sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 600-700 gam/con. Dự tính sau khi kết thúc mô hình, cá sẽ đạt trọng lượng từ 800-900 gam/con, trừ chi phí gia đình ông sẽ lãi trên 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Trâm, xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi chia sẻ, trong quá trình thực hiện mô hình, nhân viên của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi; hướng dẫn chủ hộ tham gia mô hình không sử dụng các thiết bị, hóa chất, dụng cụ có thể gây hại cho cá. 

Đặc biệt, cá chép khi nuôi ghép với cá khác còn tận dụng được tầng nước, thức ăn giữa các loài, giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống ước đạt trên 70%, với khối lượng trung bình đạt trên 600 gam/con, năng suất đạt hơn 8,5 tấn/ha.

Ông Lương Văn Cao cho rằng, hiệu quả của mô hình nuôi ghép cá chép là chính trong ao góp phần tạo đà cho nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong lĩnh vực nuôi thả thủy sản. 

Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các hộ nuôi thả thủy sản về bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động từ quá trình nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp các hộ nuôi thả thủy sản khắc phục những vướng mắc về kỹ thuật sử dụng thuốc, thức ăn... trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, công nghệ nuôi ghép cá chép trong ao nhằm phát triển cá chép và các đối tượng cá truyền thống đạt năng suất cao gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. 

Từ hiệu quả trên, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hưởng ổn định, giá trị kinh tế cao...

Quang Nhiều (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem