Hội Nông dân "tiếp sức" giúp hàng trăm gia đình hội viên ở Phú Thọ thoát nghèo

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 18/06/2024 16:29 PM (GMT+7)
Nhờ được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hỗ trợ con giống, vốn vay, kỹ thuật sản xuất…, hàng trăm gia đình hội viên nông dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chịu khó, nhưng suốt thời gian dài gia đình hội viên nông dân Lê Thị Thu Hồng (ở khu 2, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) vẫn khó khăn đủ đường. Theo chị Hồng, nguyên nhân khiến cái nghèo đeo bám có nhiều, song cái khó nhất là do thiếu vốn, không có việc làm mang lại thu nhập ổn định.

Được Hội nông dân

Được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hộ chị Lê Thị Thu Hồng (áo đen, ở khu 2, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã phát triển nghề sản xuất, chế biến chè, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: H.N

Năm 2021, được Hội Nông dân huyện Thanh Ba tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ mở hướng thoát nghèo, chị Hồng đã mạnh dạn dồn đổi ruộng thành thửa lớn, rồi đi xoay sở, vay mượn hùn tiền để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong lúc khó khăn về vốn, chị Hồng đã vay được 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Thanh Ba. Cùng với nguồn vốn gia đình gom được, chị quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng, mua máy móc mở xưởng sản xuất, chế biến chè.

Công việc tận dụng tối đa diện tích đất canh tác sản xuất, phù hợp sức khỏe lao động của mọi thành viên trong gia đình, do đó xưởng sản xuất chè của gia đình chị Hồng đi vào hoạt động hiệu quả, từng bước đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn trước.

Chỉ chưa đến một năm vay vốn sản xuất xưởng chè, gia đình chị Hồng đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn, tích cực vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, xưởng sản xuất chè của gia đình chị Hồng đã chủ động được nguồn nguyên liệu, mỗi tháng sản xuất từ 13-15 tấn chè tươi, cho ra thành phẩm 2,5 - 3 tấn chè khô. Sau khi trừ chi phí, chị Hồng thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm, trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất kinh giỏi của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Ba Nguyễn Viết Đại cho biết, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân huyện Thanh Ba đã tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế.

Được Hội nông dân

Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp tỉnh Phú Thọ, nhiều gia đình hội viên nông dân đã vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất... Ảnh: H.N

Đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm (2018-2023), Hội Nông dân huyện Thanh Ba đã vận động, giúp đỡ vốn, giống cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 400 hộ nông dân, trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội trực tiếp giúp 68 hộ trong đó hỗ trợ 5 hộ nghèo xóa nhà tạm, phối hợp giúp đỡ 344 hộ nông dân thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Thanh Ba đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì việc tín chấp cho hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi. Hiện nay, tổng mức dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 103 tỷ đồng, cho 2.147 hộ vay thông qua 76 tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, đã cho 110 hộ vay tại 18 dự án với số tiền 5.470 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các cơ quan chức năng của huyện tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật.

"Từ các phong trào, hoạt động của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Thanh Ba đã quy tụ, tập hợp sự tham gia của đông đảo hội viên, nông dân. Hội Nông dân trở thành cầu nối, điểm tựa vững chắc cho nông dân, khẳng định vai trò quan trọng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn, thực hiện giảm nghèo bền vững, cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội", ông Đại nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Quỳnh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ thông tin, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động tương trợ giúp đỡ trong nội bộ nông dân, thông qua các hình thức phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cho mượn vốn, đổi công, cung cấp cây, con giống, vật tư, lương thực..., với tổng giá trị hơn 3,9 tỷ đồng và 4.806 ngày công.

Các cấp Hội cũng đã trực tiếp hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương giúp đỡ 257 gia đình hội viên nông dân thoát nghèo.

"Thời gian qua số lượng hộ hội viên nghèo giảm là điều đáng phấn khởi, nhưng làm sao để tạo sinh kế bền vững, không tái nghèo mới thực sự là mục tiêu cuối cùng mà các cấp Hội hướng đến. Bởi vậy Hội đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách cho tổ chức Hội tham gia hoặc trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện các nghị quyết giảm nghèo bền vững của tỉnh" - bà Quỳnh nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem