Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh, nhìn từ Nghệ An

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ hai, ngày 14/10/2024 13:40 PM (GMT+7)
Vì một nền nông nghiệp xanh, sạch từ nhà ra đồng ruộng, chiến dịch sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phát động đang được triển khai rộng khắp. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh còn giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà nông.
Bình luận 0

Nông dân Nghệ An sản xuất hơn 90.000 tấn phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho hội viên Hội Nông dân về ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hình thành ý thức trong hội viên, nông dân về tích cực thu gom phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phát động phong trào "Nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp".

Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh nhìn từ Nghệ An - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trực tiếp kiểm tra mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Anhr: N.T

Phấn đấu, đến hết năm 2025, có ít nhất 70% hội viên Hội Nông dân tỉnh Nghệ An được hướng dẫn phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp. Hội viên, nông dân toàn tỉnh sản xuất được khoảng 90.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp. Từ đó, biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng.

Ngay sau lễ phát động, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích của việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, trang bị kiến thức về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp cho cán bộ hội nông dân cơ sở. Các lớp tập huấn về quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được mở với sự tham gia của hàng ngàn hội viên nông dân. Bên cạnh đó, nhiều mô hình điểm về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp cũng được xây dựng. Từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Phong trào được triển khai sâu, rộng với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh nhìn từ Nghệ An - Ảnh 2.

Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh, phân hữu cơ vi sinh trở thành một giải pháp mang lại nhiều lợi ích đang được triển khai rộng khắp tại Nghệ An. Ảnh: N.T

Sạch từ nhà ra đồng là một trong những khẩu hiệu được Hội Nông dân nhiều địa phương áp dụng. Rác thải hữu cơ trong quá trình sinh hoạt của gia đình được phân loại. Rác thải nông nghiệp cũng được gom lại để ủ phân hữu cơ vi sinh tạo nguồn sống cho cây trồng. Những cánh đồng xanh-sạch-đẹp, những khu vườn không rác thải đẹp như phim dần được hình thành trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Lợi ích nhân đôi nhờ sử dụng phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp

Trực tiếp kiểm tra các mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đánh giá cao cách làm sáng tạo, hiệu quả của người dân trên địa bàn, mang lại kết quả cao.

Phân hữu cơ vi sinh được ủ ngay tại các cánh đồng xã Trung Sơn thuận tiện cho việc sử dụng, tiết kiệm công vận chuyển trong cả hai giai đoạn. Các nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom tạo nên những cánh đồng không rác thải. Bên cạnh đó, hội viên, nông dân trên địa bàn còn chủ động phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình, sử dụng rác thải hữu cơ để ủ phân vi sinh.

Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh nhìn từ Nghệ An - Ảnh 3.

Phong trào sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp được triển khai sôi nổi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: N.T

Không chỉ ở xã Trung Sơn, tại các địa phương khác trên địa bàn huyện Đô Lương, phong trào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp cũng đang được hội viên, nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Hội Nông dân huyện Đô Lương đã cử giảng viên trực tiếp đến từng địa phương hướng dẫn thực tế cho hội viên nông dân quy trình ủ phân hữu cơ bằng men sinh.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, Hội Nông dân huyện Đô Lương đã nhận và cung ứng cho 33 xã, thị trấn 8 tấn men vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ. Trong 2 năm 2023 và 2024, hội viên, nhân dân trên địa bàn huyện Đô Lương đã sản xuất được hơn 5.000 tấn phân bón hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăm bón cho lúa và cây trồng.

Tại huyện Yên Thành, Nghệ An, Hội Nông dân huyện đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với phương châm lý thuyết đi đôi cùng hành động, nhờ thế hội viên, nông dân trên địa bàn nắm vững kiến thức, kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp qua các lớp tập huấn.

Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến trường hợp của anh Lê Xuân Hải (trú tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành). Sau mỗi vụ dưa, trang trại của anh Hải tồn dư khoảng 1 tấn phụ phẩm. Nếu tiêu hủy như thông thường sẽ tăng cao nguy cơ ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất.

Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh nhìn từ Nghệ An - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án Xử lý rác thải Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị Truyền thông dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” với sự tham gia của đông đảo hội viên, mang lại kết quả cao. Ảnh: N.T

Sau khi được Hội Nông dân huyện Yên Thành hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp, anh Hải đã tận dụng nguồn phân chuồng, kết hợp phụ phẩm nông nghiêm để sản xuất phân bón hữu cơ. Bằng cách này, hàng năm gia đình anh Hải đã tiết kiệm đến 50% chi phí mua phân bón so với trước kia.

Tiết kiệm chi phí mua phân bón, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguồn phân bón hữu cơ còn giúp đất tơi xốp tăng năng suất cây trồng. Anh Hải vui mừng khi thu về "3 lợi ích" từ một quy trình.

Nhận thấy lợi ích vượt trội từ quá trình sản xuất phân bón hữu cơ bằng phế phụ phẩm nông nghiệp, người dân trên địa bàn huyện Yên Thành triển khai rộng khắp. Nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp giờ đây trở thành một "tài nguyên" đối với người dân. Có men vi sinh, những thứ tưởng chừng như bỏ đi, gây hại cho môi trường lại trở thành nguồn sống cho cây trồng, giúp đất đai được cải tạo. Giá trị sản xuất, thu nhập của người dân cũng được nâng cao. Ngoài ra, đây là phương pháp phù hợp nhất để giải quyết tiêu chí môi trường trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương.

Giải pháp đồng bộ mang về những con số đáng kinh ngạc

Không chỉ riêng tại huyện Đô Lương và Yên Thành, phong trào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ tới từng khối xóm, bản làng. Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng đang cung ứng nguồn men vi sinh để phục vụ quá trình sản xuất của hội viên, nông dân.

Biến rác thải thành nguồn sống cho cây trồng vì một nền nông nghiệp xanh nhìn từ Nghệ An - Ảnh 5.

Nông dân Nghệ An đã sản xuất được hàng chục ngàn tấn phân hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn sống cho cây trồng. Ảnh: N.T

Có được chuyển biến trên là nhờ những giải pháp đồng bộ của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Cụ thể, thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025 do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ triển khai. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức 7 lớp tập huấn trang bị kiến thức về quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho 350 cán bộ hội nông dân cấp huyện, cấp xã, hội viên nông dân tiêu biểu đã có kinh nghiệm nhất định trong sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng để làm những giảng viên nguồn của Đề án.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai xây dựng 6 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp tại 6 đơn vị Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, với quy mô 60 hộ tham gia.

Tính từ đầu năm 2024 đến hết tháng 8/2024, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức được 4.500 buổi tuyên truyền cho gần 320.000 lượt hội viên nông dân tham gia. Đến nay, hội viên nông dân trong toàn tỉnh đã xây dựng được 485 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp (mô hình ủ phân hữu cơ tại ruộng), sản xuất được 33.621 tấn phân bón hữu cơ, với 18.992 hộ hội viên nông dân tham gia.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án Xử lý rác thải Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị Truyền thông dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". Hàng ngàn lượt hội viên nông dân được tập huấn về các phương pháp xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường với 5 kỹ thuật: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế. Các nhóm "Những người gìn giữ tương lai xanh" được thành lập hoạt động có hiệu quả. Sử dụng men vi sinh để làm đệm lót sinh học dày trong xử lý rác thải chuồng trại chăn nuôi, ủ phân hữu cơ tại ruộng và áp dụng quy trình nuôi sâu can xi, nuôi giun quế đã trở thành thói quen của nhiều hộ dân.

Trong thời gian qua, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường và tạo thành phong trào "Cùng nhau xử lý rác thải hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai" thu hút được đông đảo hội viên nông tham gia hưởng ứng. Qua đó, khẳng định được vai trò của các cấp Hội Nông dân trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường nông thôn ở địa phương.

Phương pháp sản xuất phân hữu cơ vi sinh cũng khá dễ, phù hợp với điều kiện của người dân. Khi người dân đã nhận thấy hiệu quả, thu về lợi ích thì sẽ dần hình thành thói quen. Khi thói quen của người dân được hình thành thì viễn cảnh những cánh đồng không rác thải, xanh-sạch-đẹp, vì một nền nông nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ đến trong tương lai gần. Kết quả có được của Đề án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ của từng cá nhân, từng cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem