NTNN - Tập hợp thành nhóm cùng sở thích, các chị ở bản Huổi Ngà, xã Chiềng Hặc, Thuận Châu, Sơn La không chỉ làm hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà bước đầu đã tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên.
Một buổi làm việc chung của nhóm dệt thổ cẩm bản Huổi Ngà.
Ý tưởng thành lập và trong quá trình hoạt động của nhóm ND cùng dệt thổ cẩm ở Huổi Ngà đã nhận được sự hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN và Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch tại châu Á (ADDA) thông qua dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam”.
Giữ gìn vốn quý dân tộc
Chị Hà Thị Phớ là người say mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Khi trong bản Huổi Ngà, tiếng lách cách từ chiếc khung dệt thưa dần, nhưng chị vẫn coi se sợi, dệt vải là công việc không thể thiếu của phụ nữ Thái.
Chị Phớ nhớ lại: “Tuy vẫn giữ được bộ váy áo theo kiểu truyền thống, nhưng lớp trẻ thường dùng vải công nghiệp để may. Nhiều gia đình dùng chăn, gối, khăn may sẵn, làm sẵn bán ngoài thị trường. Chính vì thế, nghề dệt thổ cẩm ngày càng mai một...”.
Theo chị Phớ, sản phẩmthổ cẩm rất phong phú và vẫn có người ưa dùng. Tuy nhiên, sự cầu kỳ, kiên nhẫn của nghề khiến nhiều người ngại, nhất là lớp trẻ. Không ít gia đình trong bản xếp khung cửi vào góc nhà, chị Phớ vẫn cần mẫn dệt và hướng dẫn con dâu cùng dệt.
“Tôi vẫn dệt thổ cẩm với những sắc màu, hoa văn cổ truyền để dùng trong nhà và bán. Mỗi tháng, dệt và may được 10 chiếc váy, bán 150.000 đồng/chiếc,trừ chi phí, tôi vẫn còn gần 1 triệu đồng, ở miền núi đây là món tiền kha khá...”.
Thấy chị Phớ có thu nhập từ dệt thổ cẩm, nhiều chị em trong bản lau chùi lại khung cửi, mua sợi về học dệt, thêu thùa. Người biết nghề dạy cho người chưa biết. Những hoa văn, đường may khó, chị Phớ hướng dẫn chị em làm.
Dần dần bản Huổi Ngà có 9hộ gia đình khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Công việc mang tính chất tranh thủ lúc nông nhàn đã thu hút nhiều các cháu gái nhỏ đến để học cách đạp khung cửi, cách đưa thoi dệt, cách luồn kim thêu những hoa văn trên khăn piêu, áo váy.
Thổ cẩm thành hàng hoá
Nếu được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi sẽthành lậpHTX dệt thổ cẩm và kết nạpcác thành viên ở các bản khác trong và ngoài xã... Chị Hà Thị Phớ
Những mặt hàng thổ cẩm của chị em bản Huổi Ngà làm ra, ban đầu tiêu thụ chủ yếu trong xã Chiềng Hặc. Dần dần người dân các xã lân cận cũng tìm đến mua. Phong tục dùng khăn, chăn gối thổ cẩm để làm quà tặng gia đình nhà chồng của các cô gái Thái cũng tạo điều kiện cho chị em Huổi Ngà bán được ngày càng nhiều hàng.
Chị Phớ bàn với các chị thạo tay nghề trong bản thành lập nhóm dệt thổ cẩm. Nghe tin, chị Hoàng Thị Thoa - giảng viên phụ trách dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam” của huyện Yên Châu thông tin, nếu thành lập nhóm dự án sẽ hỗ trợ 4 triệu đồng.
Tháng 8-2008, bản Huổi Ngàra mắt nhóm ND cùng sở thích dệt thổ cẩm gồm 10 thành viên thạo nghề. Nhóm bầu chị Phớ làm nhóm trưởng. Chị em góp vốn, sản phẩm bán đi, sau khi trừ chi phí, trích một phần vào quỹ của nhóm, còn lại sẽ chia theo năng lực của mỗi thành viên.
Chị Phớ nhớ lại: “Ban đầu, các chị em trong nhóm thiếu tiền mua nguyên liệu sợi, vải, tôi phải tạm ứng cho chị em...”. Số lượng sản phẩm dệt, may của nhóm cũng tăng dần theo từng tháng. Riêng năm 2009, doanh số bán hàng của nhóm đạt hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí mua nguyên liệu, trả công lao động, còn 25,5 triệu đồng bổ sung vào quỹ nhóm.
Chị Hà Thị Xưởng - thành viên của nhóm thổ lộ: “Tuỳ từng công việc mà các chị có thể mang về nhà làm, hoặc làm tại nhà nhóm trưởng. Các chị chủ yếu làm tranh thủbuổi trưa, buổi tối, mỗi người cũng có vài trăm ngàn đồng/tháng. Từ khi tham gia nhóm, chi tiêu trong gia đình tôi không còn khó khăn như trước...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.