Hội thảo về tín ngưỡng thờ Mẫu: Công khai nghi lễ để tránh lệch lạc

Thứ sáu, ngày 18/04/2014 07:06 AM (GMT+7)
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu cần được công khai cho tất cả mọi người dân Việt Nam, để mọi người có thể tiếp cận và đánh giá cái hay và không hay cũng như phát huy, gìn giữ giá trị văn hóa, tránh khỏi bị biến dạng, lệch chuẩn.
Bình luận 0
Xuất phát từ đạo Mẫu

Sáng 17.4, hội thảo về Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội lần 2 do Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức là hoạt động chính thức khai mạc nhân kỷ niệm 10 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23.11), và đặc biệt là khởi động việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của người Việt.

Một canh lễ hầu đồng tại Vụ Bản (Nam Định).
Một canh lễ hầu đồng tại Vụ Bản (Nam Định).

Theo kế hoạch, Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội 2014 được chia làm 2 đợt, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, nhằm tăng cường giáo dục truyền thống, quý trọng các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc tới đông đảo nhân dân thủ đô, đem lại một cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu. Đồng thời thông qua các hoạt động của liên hoan góp phần định hướng nhận thức về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung tại Hà Nội. Bên cạnh việc tổ chức liên hoan, Sở VHTTDL Hà Nội cũng tổ chức tọa đàm thực trạng văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội; khảo sát, xây dựng hồ sơ kiểm kê tín ngưỡng thờ Mẫu và các tư liệu liên quan đến các đền, phủ, điện thờ Mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 11.2014…

Theo GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đây là cơ hội tốt để các thanh đồng hiểu, nhận thức tốt hơn về giá trị văn hóa thờ đạo Mẫu. Lâu nay người ta cứ đồn thổi về hầu đồng, nói rằng nó ghê gớm lắm và che phủ lên nghi lễ này một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Song nhiều cuộc hội thảo khoa học đã khẳng định đây là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẹ. Có một thực tế là những kiến thức về hầu đồng của người dân còn rất hạn chế. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt thì có đến 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi.

“Vì thế, chúng tôi càng thấy việc đưa nghi lễ hầu đồng ra giới thiệu với công chúng là một bước quan trọng để vén bức màn bí ẩn mà người ta đã dựng lên quanh nó. Đây cũng là cách để người xem được tiếp cận với loại hình này, đồng thời cũng dần đưa hoạt động hầu đồng - hát văn dần trở về với quỹ đạo vốn có của nó” - GS Ngô Đức Thịnh cho biết.

Còn TS Lưu Trị- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội thì cho biết, năm 2014 này việc đi khảo sát, xây dựng hồ sơ kiểm kê tín ngưỡng thờ Mẫu và các tư liệu liên quan đến các đền, phủ, điện thờ Mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẽ là cái nhìn sâu hơn về đạo thờ Mẫu. Bên cạnh đó cũng rất cần thiết tôn vinh các thanh đồng khi họ làm tốt các canh lễ.

Tôn vinh các thanh đồng

Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức rộng rãi trên địa bàn thành phố Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 11.2014 bao gồm được chia làm 2 đợt. Đợt 1 - cấp quận, huyện bắt đầu từ tháng 9.2014 đến tháng 10.2014 tại các đền, phủ thờ Mẫu tại Hà Nội; đợt 2 từ tháng 11.2014 tại thành phố Hà Nội.

Ngoài việc công khai tín ngưỡng thờ Mẫu, Ban tổ chức (BTC) còn cho biết, đây là cũng là cơ hội để các nhóm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội và các tỉnh gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Theo BTC, Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu lần 2 sẽ có nhiều điểm mới như khảo sát, xây dựng hồ sơ kiểm kê tín ngưỡng thờ Mẫu và các tư liệu liên quan đến đền, phủ, điện thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, tổ chức các chương trình tọa đàm về Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội, liên kết các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cùng đại diện các chủ thể tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu…

Bên cạnh đó sẽ tôn vinh các đơn vị quản lý di tích tốt, các thanh đồng, các thủ nhang, tôn vinh các làng nghề sản xuất đồ thờ tín ngưỡng và các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Năm nay lượng thanh đồng đăng ký không dựa trên danh sách thư mời như mọi năm, mà dựa trên danh sách của quận, huyện gửi về. Nếu như năm ngoái có 4 cụm từ các quận huyện thì năm nay có đến 6 cụm, mỗi cụm được chia làm 5 quận, huyện.

Một điều thú vị cho Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu lần 2 là không chỉ các nhóm thanh đồng tại Hà Nội, mà liên hoan lần này còn mở rộng các nhóm thanh đồng từ các tỉnh, để có thêm màu sắc bởi mỗi cách hành lễ của mỗi thanh đồng lại mang tính địa phương, nét riêng bản địa. Nếu như ở thanh đồng Lạng Sơn có hơi hướng của hát then thì thanh đồng ở Nam Định, Thái Bình lại mang nét chèo và thanh đồng ở Hà Nội lại chăm chút, chu đáo từ các khâu chuẩn bị, đồ thờ cúng… và mang hơi hướng của ca trù.

Thanh Hà (Thanh Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem