Hôm nay tuyên án vụ chuyến bay giải cứu: Liệu có bị cáo nào được trả tự do tại tòa?

PVCT Thứ sáu, ngày 28/07/2023 08:01 AM (GMT+7)
Chiều 28/7, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án vụ chuyến bay giải cứu. Trong số 54 bị cáo, liệu có trường hợp nào được trả tự do tại tòa, nghĩa là họ đang bị tạm giam nhưng được hưởng án treo hoặc thời hạn hình phạt tù bằng thời giam bị tạm giam.
Bình luận 0

Trong vụ án này có 54 bị cáo, có 1 bị cáo là Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị tuyên án tử hình về tội Nhận hối lộ. Trong thời Tòa nghị án, gia đình bị cáo Kiên đã nộp khắc phục thêm 7 tỷ đồng. Tính tới ngày 24/7, Phạm Trung Kiên đã khắc phục khoảng 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng anh ta nhận hối lộ. Kiên là người bị Viện kiểm sát cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất liên quan các chuyến bay giải cứu, với 253 lần.

Hôm nay tuyên án vụ chuyến bay giải cứu: Liệu có bị cáo nào được trả tự do tại tòa? - Ảnh 1.

Chiều 28/7, Tòa sẽ tuyên án vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh Đ.X

Trong vụ án này, bị cáo Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do là trường hợp bị đề nghị mức 12-18 tháng tù cho hưởng án treo về tội đưa hối hộ. Đây cũng là mức đề nghị nhẹ nhất trong số tất cả các bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, trong vụ án này có 9 bị cáo được hưởng tại ngoại (áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú), đó là các bị cáo: Đào Thị Chung Thúy; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam; Nguyễn Hoàng Linh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Sao Hà Nội.

Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife; Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh; Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hàng không; Vũ Thùy Dương, Giám đốc công ty cổ phần thương mại Lữ hành Việt; Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Blue Sky.

Ngày 21/7, tại phần tranh tụng, đại diện Viện KS đã đề nghị lại mức án dành cho các bị cáo trong vụ Chuyến bay giải cứu như sau:

Bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội): từ 3 – 4 năm tù; Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an): 8 – 9 năm; Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản): 3 – 4 năm; Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam): 7-8 năm tù.

Ở nhóm tội "Đưa hối lộ", đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lữ Hành Việt): từ 2- 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa): 18 – 20 tháng tù cho hưởng án treo; Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty nhiệm hữu hạn Du lịch và Dịch vụ Công đoàn Đường sắt): 18 – 20 tháng tù cho hưởng án treo.

Ở nhóm tội "Môi giới hối lộ", đại VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam): 2- 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng, trong vụ án này 2 bị cáo Phạm Bá Sơn và Tào Đức Hiệp đang bị tạm giam (bị cáo Sơn bị bắt ngày 8/12/2022, bị cáo Hiệp bị bắt ngày 27/10/2022, cả 2 đang tạm giam tại Trại giam B14 Bộ Công an).

Trao đổi với Dân Việt, một vị luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu cho biết: Đối với trường hợp bị cáo đang bị tam giam, khi tòa xét xử và tuyên hình phạt tù cho hưởng án treo thì người đó sẽ được trả tự do tại tòa (nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác).  

Theo quy định, thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem