Huyền Như và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: HY
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2007, khi làm việc tại Ngân hàng VietinBank, Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh, đầu tư vào bất động sản.
Do làm ăn thua lỗ nên năm 2010, Như mất khả năng thanh toán nợ. Để có tiền trả nợ, từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank rồi đứng ra thương thảo lãi suất cho vay tiền với các tổ chức, cá nhân. Như làm giả tám con dấu của VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và bảy công ty khác để lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền. Từ đó Như đã chiếm đoạt của chín công ty, ba ngân hàng và ba cá nhân với số tiền lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Xử sơ thẩm tháng 1.2014, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huyền Như tù chung thân về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Tòa buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ một năm tù treo đến 20 năm tù. Bản án sơ thẩm này dài kỷ lục, đến 161 trang.
HĐXX vụ Huyền Như. Ảnh: HY
Theo diễn biến 13 ngày xét xử phúc thẩm, VKS tại toà có quan điểm bác các kháng cáo kêu oan; với các bị cáo xin giảm án hay có kháng nghị tăng án VKS yêu cầu chấp nhận một phần.
Đặc biệt , đối với nhóm 10 cán bộ, nhân viên VietinBank VKS đề nghị HĐXX xem xét thêm nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, việc họ không tư lợi, mới vào nghề, lệ thuộc.... để chiếu cố hình phạt.
Luật sư bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: HY
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa. Ảnh: HY
Căng thẳng nhất chính phần kháng cáo của các nguyên đơn dân sự. VKS vẫn xác định chỉ có 5 công ty trong vụ án là thuộc trường hợp Huyền Như có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô tài sản của VietinBank và ngân hàng này có trách nhiệm bồi thường hơn 1.000 tỷ. Còn hai ngân hàng ACB và NaviBank gửi tiền trái luật và là nạn nhân của việc Như lừa đảo nên không thể "níu áo" VietinBank.
Trước khi toà nghị án, VietinBank vẫn khăng khăng không đồng ý việc bồi thường cho bất kì bị hại nào trong vụ án. Trước quan điểm của Viện, bên cạnh nhiều lập luận, luật sư của VietinBank nhấn mạnh "VKS không phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của các đơn vị này đòi VietinBank bồi thường. Từ đây, luật sư của VietinBank nói năm nguyên đơn dân sự này “chớ vội mừng”. Bởi nếu HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS thì biết đâu “quý vị chẳng những không thu hồi được tiền mà còn là một ACB thứ hai, thứ ba”.
Luật sư một trong 5 công ty bị hại cho rằng: “HĐXX chưa tuyên án mà như VietinBank biết trước kết quả”.
Một luật sư khác của VietinBank lại bày tỏ sự không đồng tình việc “tặng quà Giáng sinh của VKS người có người không”. Theo luật sư này, việc đề nghị hủy một phần bản án của VKS là phiến diện và chủ quan. Bởi hồ sơ vụ án không có gì mới. Cùng một vấn đề nhưng VKS đặt hai quan điểm khác nhau nên luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại “phần gốc” còn lại của vụ án này...
(Theo Hoàng Yến/Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.