Hôm nay xét xử "bầu" Kiên và đồng phạm: 2 lý do có thể hoãn phiên tòa

Thứ tư, ngày 16/04/2014 06:01 AM (GMT+7)
Hôm nay (16.4), vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm sẽ được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử. Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân.
Bình luận 0
Hội đồng xét xử đặc biệt

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội. Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến. Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 vị luật sư, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.


Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, đối với vụ án sơ thẩm mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì HĐXX gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm. Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm, không có bị cáo nào bị truy tố về tội theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình nhưng HĐXX vẫn gồm 5 người. Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, TAND TP.Hà Nội đã vận dụng Điều 185 của Luật Tố tụng hình sự về thành phần HĐXX sơ thẩm “trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì HĐXX có thể gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm”.

Trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đã kiến nghị TAND TP.Hà Nội tạm hoãn phiên tòa để chờ kết quả phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, lý do các luật sư đưa ra để xin hoãn phiên tòa vụ Nguyễn Đức Kiên là có căn cứ. Một trong những chứng cứ quan trọng để xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm có phạm tội cố ý làm trái hay không là một phần bản án vụ Huyền Như. Nếu như bản án phúc thẩm vụ Huyền Như cho rằng việc kết án Huyền Như lừa đảo như sơ thẩm là không đúng mà Vietinbank phải chấp nhận đền bù thì hành vi cố ý làm trái là không đúng. Thêm vào đó là thời điểm diễn ra hành vi của các bị cáo là không có văn bản pháp luật nào cấm ngân hàng này gửi tiền vào ngân hàng kia.

"Để có được chứng cứ buộc tội thì phải dựa vào bản án vụ Huyền Như đã có hiệu lực pháp luật, trong khi bản án sơ thẩm vụ án này đang bị kháng cáo. Nếu TAND TP.Hà Nội xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì thiệt hại ở đâu? Nếu tòa nói chứng cứ là một phần trong bản án sơ thẩm vụ Huyền Như, nhưng nếu sau này TAND Tối cao xử phúc thẩm vụ án Huyền Như hủy án sơ thẩm thì sao?" - ông Phương đặt câu hỏi.

Hậu quả nặng nề đối với hệ thống ngân hàng

Theo luật sư Lưu Tiến Dũng - người bào chữa cho ông Trần Xuân Giá cho biết: Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, có nhiều tội danh khác nhau. Vụ án kéo dài 14 ngày, theo đó tòa chỉ có một số ngày tập trung xử tội cố ý làm trái quy định của nhà nước... Ông Giá hiện tuổi cao và đang điều trị ung thư, nên luật sư Dũng đề nghị tòa cho phép ông Giá và luật sư bào chữa vắng mặt tại tòa trong những ngày không xét xử tội danh cố ý làm trái.

Bình luận về vụ án “bầu” Kiên và các đồng phạm ảnh hưởng ra sao tới nền tài chính - ngân hàng chung, TS Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình cho rằng: Vụ án “bầu” Kiên xảy ra đã gây hậu quả lớn cho hệ thống ngân hàng, làm lung lay niềm tin của dân chúng đối với ngân hàng. Bởi những nhà đầu tư có thế lực, có quan hệ làm những việc sai trái như thế thì dân chúng nghĩ sẽ còn có nhiều việc làm sai trái khác. Với tư duy như vậy, chắc chắn dư luận sẽ tin rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng.

Thứ hai, vụ án “bầu” Kiên sẽ có tác động tiêu cực về tài chính đối với Ngân hàng ACB nói riêng và với hệ thống ngân hàng nói chung. Thiệt hại cụ thể về con số thì còn phải chờ phiên tòa kết thúc, nhưng chắc chắn thiệt hại là không nhỏ, tính cả trên góc độ định lượng và định tính. Có thể thiệt hại không cụ thể về tiền bạc nhưng với sự sở hữu khối lượng cổ phiếu, cổ phần giữa các ngân hàng với nhau sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng sở hữu chéo và nợ xấu. Bởi những người dùng quan hệ sở hữu chéo để vay nợ, lợi dụng quan hệ để làm rối thêm sự minh bạch trong các giao dịch, quan hệ giữa hệ thống ngân hàng. Vì vậy, mặc dù chưa định lượng được nhưng chắc chắn ảnh hưởng không hề nhỏ.

Đồng quan điểm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - TS Cao Sỹ Kiêm nhận định: Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận bởi những tác động tiêu cực của nó đến rất nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Đồng thời liên quan tới rất nhiều bộ phận trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tổ chức, nhân sự. Những hành vi tinh vi, lách luật, trốn tránh chứng tỏ kẽ hở trong khâu quản lý của Nhà nước. Đối với hệ thống ngân hàng, chứng khoán thì vụ án này đã làm cho thị trường tiền tệ, chứng khoán có một thời gian chao đảo, làm thiệt hại tương đối nặng nề cho hệ thống mà phải đợi đến khi kết thúc phiên xử mới có thể đánh giá được.

“Vụ án “bầu” Kiên cũng chứng tỏ mối nguy về sự quản lý lỏng lẻo để tình trạng đầu tư chéo, vi phạm các nguyên tắc ở cấp cao, gây ra nhiều lỗ hổng khiến cho việc xử lý gặp không ít khó khăn” - ông Kiêm khẳng định.
Lương Kết - Hương Thủy (Lương Kết - Hương Thủy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem