Hơn 1.000 ngày kinh hoàng ở Syria

Thứ sáu, ngày 15/03/2013 17:03 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sau hai năm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Syria đang bị xé nát bởi một cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người và buộc hơn 1 triệu người Syria phải chạy trốn khỏi đất nước.
Bình luận 0

Ngày 15.3.2011, những tiếng la hét bao trùm thành phố Aleppo của Syria, mở đầu cho cuộc biểu tình chống chính phủ. Hai năm sau, những tiếng la ó trong tuyệt vọng vẫn vang lên khắp đất nước này. 70.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu số phận khác đang lay lắt…

Ngày 15.3.2013, mốc thời gian đánh dấu tròn hai năm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria. Những cuộc biểu tình hàng loạt chống lại Chính phủ, sau đó leo thang thành xung đột giữa những nhóm đối lập vũ trang và các đơn vị quân đội kéo dài dai dẳng suốt hai năm qua. Đến hôm nay, Syria đang bị xé nát bởi một cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người và buộc hơn 1 triệu người Syria phải chạy trốn khỏi đất nước.

Cuộc xung đột đe dọa tràn qua biên giới để gây bất ổn các nước láng giềng. Người Syria đếm từng ngày kể từ ngày bạo loạn bắt đầu. Với họ, hai năm qua, họ đã trải qua 1.030 ngày sống trong đau đớn, mất mát và chết chóc...

img
Nhiều nguồn tin cho rằng, phe nổi dậy ở Syria hiện đã chiếm được 2/3 lãnh thổ.

Với hơn 3 triệu tòa nhà bị san phẳng trong chiến tranh, các gia đình và trẻ nhỏ trên khắp Syria đang phải sống trong cảnh không nhà cửa. Khoảng 80.000 người Syria hiện ngủ tạm trong các hang động, công viên hay nhà kho. Đau lòng hơn cả là hơn 2 triệu trẻ em Syria bị ảnh hưởng bởi các chứng suy dinh dưỡng, bệnh truyền nhiễm và chấn động tâm lý vì cuộc chiến. Thật không quá khi nhận định rằng, một thế hệ tương lai của Syria đã bị khói súng làm cho u ám.

Đã hai năm trôi qua, cái giá mà quốc gia Trung Đông này đang phải trả cho cuộc tử chiến của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phong trào có khởi đầu hòa bình của người dân càng ngày càng khủng khiếp. “Ông Assad sẽ không có tương lai”, nhiều nguồn tin nhận định như vậy, nhưng đất nước Syria cũng sẽ không có gì nhiều để trông đợi về một tương lai phía trước trừ phi lực lương đối lập có thể lật đổ chế độ của ông al-Assad.

Tuy nhiên, nguồn tin tình báo của Israel cho rằng, đến đường cùng, tổng thống Assad đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học. Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Israel, Thiếu tướng Aviv Kochavi cho biết đến thời điểm hiện tại, ông Assad vẫn chưa ra lệnh triển khai các loại vũ khí hóa học này, tuy nhiên nó đã nằm trong kế hoạch sử dụng của ông Assad.

Nếu đúng như vậy, chính ông Assad đã ra tay giết hại người dân của mình.

Nhân mốc kỷ niệm 2 năm ngày khởi đầu cuộc xung đột đẫm máu ở Syria, ngày 15.3, trên khắp thế giới diễn ra những hoạt động từ thiện. Để tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Syria, mọi người sẽ thắp sáng hàng nghìn ngọn nến.

Đến thời điểm này, bất cứ ý tưởng nào cho rằng có thể đạt được sự đồng lòng giữa chế độ và phe đối lập ở Syria là hoàn toàn không thực tế. Người ta cũng đã nghĩ đến một kịch bản tồi tệ nhất, đó là nếu chế độ Assad sụp đổ, những vụ giết hại để trả thù và bạo động giữa các cộng đồng với nhau càng trở nên khủng khiếp hơn. Và có thể thế giới sẽ chứng kiến những tranh chấp bạo động về quyền hành bên trong phe đối lập chiến thắng, và sau đó dĩ nhiên là các nước trong vùng sẽ nhập cuộc để ủng hộ “người của mình”.

Đây là một kịch bản ảm đạm, nhưng không gây ngạc nhiên. Syria hiện đang chia thành nhiều phe phái, người Hồi giáo Sunni và người Hồi giáo Shia, các thị tộc và giáo phái khác nhau, những phần tử chủ chiến Hồi giáo và những người cấp tiến.

Ông Alia Brahimi, chuyên gia về Trung Đông tại trường Kinh tế London từng nhận định rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria có thể không giải quyết được trong những năm tới, chính xác là vì nằm trong những tranh chấp giáo phái và những thế lực trong vùng.

Như vậy có nghĩa, vẫn chưa có một “kết cục có hậu” cho người dân Syria. Hai năm là quãng thời gian quá dài cho những mất mát, đau đớn và thiệt hại của một đất nước vốn không giàu có, nhưng đã từng bình yên. Hai năm qua, người Syria vẫn coi “mùa xuân không ghé thăm những ngôi nhà của họ”. Và điều dân chúng Syria hoang mang hơn cả, khi nào thì họ mới thực sự được tự do, được bình yên trên chính quê hương mình?

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem