Vì sao chưa xét phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân cho ca sĩ Ánh Tuyết dù có hơn 50 năm cống hiến?
Hơn 50 năm cống hiến, có tới 5 Huy chương Vàng, sao Ánh Tuyết chưa được phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân?
Hà Tùng Long
Thứ tư, ngày 17/07/2024 09:33 AM (GMT+7)
Mặc dù có hơn 50 năm cống hiến, từng đoạt tới 5 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và nhiều giải thưởng âm nhạc nhưng ca sĩ Ánh Tuyết vẫn chưa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân.
Hơn 50 năm cống hiến vẫn chưa được phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân
Với người nghệ sĩ, danh hiệu thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp của họ cho văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, có những nghệ sĩ, cả một đời gắn bó với nghệ thuật, say mê và thầm lặng cống hiến nhưng đến tuổi U70 vẫn chưa hề được phong tặng bất kỳ một danh hiệu nào. Ca sĩ Ánh Tuyết chính là một trong những nghệ sĩ như vậy.
Nhắc đến Ánh Tuyết là nhắc đến một giọng soprano rất đặc biệt, gắn liền với các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, các ca khúc tiền chiến. Nhờ sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, với bố là giáo viên dạy nhạc, các anh trai là nhạc công nên Ánh Tuyết bộc lộ năng khiếu âm nhạc rất sớm. Năm lên 3 tuổi chị đã biết hát các ca khúc của người lớn, đến năm 8 tuổi đã bắt đầu bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Năm 1978, chị đầu quân về đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng. Năm 1980, chị theo học tại trường Âm nhạc Huế. Ra trường, Ánh Tuyết về đoàn Hải Đăng của tỉnh Khánh Hoà.
Mặc dù đi hát từ sớm nhưng phải đến năm 32 tuổi, tên tuổi của Ánh Tuyết mới thực sự được biết đến rộng rãi. Đó là vào tháng 7/1993, chị được mời hát trong chương trình âm nhạc của Văn Cao với hai bài Buồn tàn thu và Thiên thai. Trong đêm nhạc đó, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao có dự thính và rất hài lòng với cách thể hiện của nữ ca sĩ. Nhạc sĩ Văn Cao đã nói rằng, Ánh Tuyết thấu hiểu tác phẩm của ông và hát theo cách mà ông hài lòng nhất.
Báo chí sau đó đã đồng loạt viết về Ánh Tuyết như một hiện tượng trong làng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt với những ca khúc của Văn Cao. Chị trở thành "nàng thơ" trong những năm tháng cuối đời của nhạc sĩ Văn Cao như câu nói đã đi vào giai thoại: "Đầu đời, nhạc Văn Cao có Kim Tiêu, không ngờ cuối đời nhạc Văn Cao lại có Ánh Tuyết".
Không chỉ nhạc sĩ Văn Cao mà ngay cả các nhạc sĩ như: Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Hoàng Giác, Phạm Duy... đặc biệt là Trịnh Công Sơn cũng đều dành nhiều lời khen ngợi cho giọng hát đặc biệt của Ánh Tuyết. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đề nghị Ánh Tuyết thu album riêng những ca khúc của mình nhưng chị lần lữa mãi không làm vì sợ mình "bon chen cùng đám đông". Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, Ánh Tuyết rất hối hận. Chị viết lời xin lỗi trong sổ tang vì lỡ hẹn với cố nhạc sĩ.
Nói về mối duyên đặc biệt với âm nhạc Văn Cao, Ánh Tuyết chia sẻ: "Chỉ cần nhắc đến Văn Cao, chỉ cần cất lên giai điệu thì tự nhiên trong tôi điều gì đó tuôn trào, âm nhạc của ông như quyện quánh vào tâm hồn. Âm nhạc của Văn Cao như đẩy tôi bay, ở cõi nào đó rất cao, khi nhắc đến ông chỉ có hai hình ảnh, dáng dấp con người, những câu nói, cách nói chuyện làm cho tôi không thể nào quên được. Tôi yêu quý và trân trọng ông vô cùng".
Đi xin để được phong Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân là một sự kỳ cục
Trong chặng đường dài làm nghệ thuật, Ánh Tuyết từng đoạt 5 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và một số giải thưởng trong các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Nữ ca sĩ cũng từng ra đảo Trường Sa hát phục vụ các chiến sĩ, từng hát phục vụ bộ đội tình nguyện Campuchia, vào bệnh viện hát cho thương binh và tham gia rất nhiều chương trình.
Ấy thế nhưng đến giờ này, khi đã bước vào tuổi 63, cái tuổi bắt đầu "ngả bóng" bước vào xế chiều… Ánh Tuyết vẫn chưa được phong tặng bất kỳ một danh hiệu nào.
Nói về việc có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nhưng bao nhiêu năm vẫn không được phong tặng danh hiệu, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ với Dân Việt: "Tôi nghĩ là đã dùng từ "trao tặng" thì cứ thấy ai xứng thì trao, sao lại bắt nghệ sĩ phải làm đơn xin xét tặng danh hiệu. Tôi đã đoạt huy chương vàng năm 1983, huy chương vàng hội diễn năm 1985, huy chương bạc năm 1986… tất cả những giải thưởng đó đều do Bộ VHTT&DL trao cho tôi khi thấy tôi xứng đáng.
Vậy bây giờ muốn xét thành tích của cá nhân tôi thì chỉ cần trích lục cái đó ra là có ngay thông tin. Thêm nữa, tôi là ca sĩ có hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, giới trong nghề lẫn khán giả, ai cũng biết tôi là người như thế nào, có những cống hiến gì, tài năng ra sao, lối sống thế nào. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và thấy rất kỳ cục khi phải viết đơn xin xét tặng danh hiệu. Tại sao tôi phải xin thì mới được cho, đó có còn là trao tặng nữa không?".
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng cho biết, cách đây nhiều năm, từng có một vị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM động viên lẫn thuyết phục chị làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nhưng chị nhất quyết không làm. Vị này thậm chí còn chủ động làm đơn rồi mời chị đến ký nhưng chị cũng không đến. Nhất là khi chị xứng đáng được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhưng vẫn bảo chị xin xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú.
"Nghệ sĩ mà, người ta vừa nghệ, vừa sĩ (sĩ diện) vì thế lòng tự trọng của họ rất cao. Những ai đã thành danh, đã khắc sâu trong lòng công chúng là họ đã chứng tỏ được tài năng của họ. Và một quá trình cống hiến bền bỉ và đi trọn cùng đam mê cũng không phải ngày một, ngày hai mà không nhìn thấy. Bây giờ bảo chúng tôi phải làm đơn xin, rồi về gặp các vị cựu lãnh đạo để xin xác nhận nhưng bản thân tôi từng công tác ở nhiều đoàn (đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng, đoàn Hải Đăng), bây giờ biết các vị ấy ở đâu mà tìm đến nhờ xác nhận", ca sĩ Ánh Tuyết trải lòng thêm.
Nữ ca sĩ bộc bạch thêm rằng, chị thích được gọi là "ca sĩ Ánh Tuyết" một cách vừa giản dị, vừa gần gũi. Vì nếu đủ bình tĩnh ngồi suy xét sẽ thấy danh hiệu giá trị nhất, bền vững nhất chính là sự yêu mến trong lòng công chúng. Và với chị, danh hiệu không làm mỗi người đẳng cấp hơn nếu không có tài năng thực sự, có cống hiến thực sự và được tôn vinh đúng nghĩa.
"Ở một góc độ nào đó, nghệ sĩ cần được công nhận thành quả lao động, nhưng công nhận như thế nào cho phải? Nghệ sĩ phải đi xin danh hiệu là rất kỳ cục. Nếu gọi là "trao tặng" thì vì sao nghệ sĩ chúng tôi phải làm đơn xin, phi lý lắm. Thời gian trước đây, tôi có nghe tin các nghệ sĩ cải lương gạo cội bị trượt danh hiệu mà thấy buồn. Lẽ ra, việc trao danh hiệu để tri ân cho những đóng góp của họ là việc các nhà quản lý phải tự làm, đừng đợi họ đi xin", Ánh Tuyết bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.