Hơn 6,4 triệu hộ được vay vốn tín dụng chính sách của Chính phủ theo phương thức uỷ thác

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 30/08/2022 19:23 PM (GMT+7)
Chiều nay (30/8), tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tổ chức Hội nghị giao ban hoạt động uỷ thác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến 31/7/2022, cả nước đã có hơn 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách của Chính phủ theo phương thức uỷ thác.
Bình luận 0

Dư nợ uỷ thác chiếm gần 98% tổng dư nợ

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị – xã hội đã chủ động bám sát Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 11 của Chính phủ để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Hơn 6,4 triệu hộ được vay vốn tín dụng chính sách của Chính phủ theo phương thức uỷ thác - Ảnh 1.

Hội nghị giao ban hoạt động uỷ thác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: Hữu Trung

Đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 287.276 tỷ đồng, tăng 29.951 tỷ đồng (+11,7%) so với năm 2021.

Tổng dư nợ đến 31/7/2022 đạt 273.458 tỷ đồng (tăng 10,3% so với cuối năm 2021), với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong đó, tổng dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị – xã hội đạt 267.962 tỷ đồng, chiếm 97,99% tổng dư nợ, tăng 23.268 tỷ đồng so với năm 2021, với hơn 6,4 triệu lượt khách hàng còn dư nợ thông qua 169.069 Tổ Tiết kiệm và vay vốn.

Cụ thể, dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ lớn nhất đạt 102.957 tỷ đồng, chiếm 38,42% tổng dư nợ ủy thác; Hội Nông dân đạt 80.780 tỷ đồng, chiếm 30,15% tổng dư nợ ủy thác; Hội Cựu chiến binh đạt 45.529 tỷ đồng, chiếm 16,99% tổng dư nợ ủy thác; Đoàn Thanh niên đạt 38.695 tỷ đồng, chiếm 14,44% tổng dư nợ ủy thác.

Hơn 6,4 triệu hộ được vay vốn tín dụng chính sách của Chính phủ theo phương thức uỷ thác - Ảnh 2.

Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng

Nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy hiệu quả vốn vay

Trong 7 tháng đầu năm Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như: cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, ổn định sản xuất và cuộc sống.

Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2022 được giao, Ngân hàng CSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TKVV tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Vì vậy chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục nâng cao, vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đến 31/7/2021, nợ quá hạn là 556 tỷ đồng, chiếm 0,21% tổng dư nợ, giảm 12 tỷ đồng so với năm 2021.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá về kết quả dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách 7 tháng đầu năm 2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022. Hầu hết các ý kiến tham gia thảo luận của 4 tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh đều khẳng định hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, đại diện các tổ chức Hội, đoàn thể cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn việc trao đổi thông tin hai chiều giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức hội; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thôn tin vào công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tổ chức có hiệu quả hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị giao ban, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.

Hơn 6,4 triệu hộ được vay vốn tín dụng chính sách của Chính phủ theo phương thức uỷ thác - Ảnh 3.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị giao ban, ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Ảnh: Tuấn Dũng

Phát huy kết quả đạt được, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đề nghị, các tháng cuối năm 2022 các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác cũng như chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Tiếp tục phối hợp tham mưu cho Chính phủ, các bộ ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư và Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tổ chức Tổng kết 20 năm triển khai Nghị định số 78, tổ chức Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2022 (cấp khu vực và toàn quốc).

Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc hoạt động uỷ thác tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt các chủ trương, chính sách mới cho người dân.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, đã có gần 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho gần 415 nghìn lao động, hơn 3,7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hơn 13 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, hơn 70 nghìn lượt hộ gia đình được mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến; gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho khoảng 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần xây dựng gần 991 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, 853 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 5,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách,…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem