"Hơn 8.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục 5 năm qua đã gieo mầm sự tử tế, cống hiến"

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 16/11/2023 17:45 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ đầy cảm xúc của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, thành viên hội đồng sơ khảo tại buổi họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 16/11.
Bình luận 0

Chiều 16/11, Bộ GDĐT tổ chức họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2023.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết, thời gian qua ban tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình gồm báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Kết quả chọn được 85 tác phẩm vào chung khảo. 

Từ những tác phẩm này, Hội đồng chung khảo đã đề xuất 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 8 giải nhì, 12 giải ba, 34 giải khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải và 4 giải phụ - giải cống hiến.

"Hơn 8.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục 5 năm qua đã gieo mầm sự tử tế, cống hiến" - Ảnh 1.

Cuộc họp báo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Ảnh: Thế Đại

Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành giáo dục. Nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. 

Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu vào phân tích những vấn đề "nóng" của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.

"Hơn 8.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục 5 năm qua đã gieo mầm sự tử tế, cống hiến" - Ảnh 2.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức giải chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: Thế Đại

Ông Sơn nhấn mạnh, nhìn chung, các tác phẩm phản ánh khá toàn diện, đa chiều về giáo dục ở các cấp học. Qua các tác phẩm báo chí, những chuyển động của ngành giáo dục; những gì ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng cũng như vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, hạn chế… đến được với người dân, độc giả; từ đó xã hội hiểu hơn về ngành để cùng chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục trong quá trình đổi mới còn nhiều khó khăn, thử thách.

"Giáo dục và Đào tạo luôn là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, công việc của ngành giáo dục vốn khó khăn, phức tạp, luôn luôn có nhiều thách thức. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn mong muốn, trân trọng mọi sự chung tay, góp sức ủng hộ ngành; trong đó không thể thiếu ủng hộ, đồng hành từ các cơ quan báo chí, truyền thông", ông Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT mong rằng các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước tiếp tục dành sự quan tâm, hưởng ứng nhiều hơn nữa, có nhiều tác phẩm viết về giáo dục hay hơn nữa. Đây chính là sự đồng hành thiết thực, ý nghĩa với ngành giáo dục trong quá trình đổi mới.

"Hơn 8.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục 5 năm qua đã gieo mầm sự tử tế, cống hiến" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TTTT), thành viên Hội đồng chung khảo cho hay, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng cao. Ảnh: Thế Đại

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TTTT), thành viên Hội đồng chung khảo cho hay, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng cao. Đề tài đa dạng, phong phú. Giải thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

"Các tác phẩm đã phản ánh những vấn đề thời sự giáo dục như: đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển đổi số trong giáo dục, mô hình trường học an toàn, hạnh phúc… Nhiều tác phẩm nêu những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, nhưng cũng có tác phẩm phản biện các chính sách và hoạt động trong ngành để kiến tạo những giải pháp góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đáng chú ý, ở loại hình báo điện tử, có nhiều loạt bài công phu từ 3-5 kỳ. Bài viết được trình bày hiện đại…", ông Hiếu nhấn mạnh. 

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân, thành viên Hội đồng Sơ khảo tâm sự, mỗi lần chấm thi đều thấy xúc động vì được thấy nhiều tấm gương tốt, câu chuyện đẹp của thầy trò hiện lên trên mặt báo, thước phim, sóng phát thanh. Đây là một niềm hạnh phúc với nghề khi được chấm thi trong ban giám khảo của giải. 

"Hơn 8.000 tác phẩm trong 5 năm qua đã gieo mầm sự tử tế, cống hiến không chỉ trong ngành giáo dục mà lan tỏa rộng rãi trong cuộc sống. Tình thầy trò được thể hiện từ chính nguyên liệu từ cuộc sống qua ngòi bút của các nhà báo trở nên rất sinh động, giàu hình ảnh. Từ việc lòng tốt hấp thụ vào mình, mỗi lần có điều gì đó băn khoăn về những tồn tại của ngành giáo dục thì cần nhìn lại xem có cần điều chỉnh gì không. Khi viết về ngành giáo dục đào tạo không hề đơn giản, vì giáo dục là sự nghiệp lâu dài và tác động xã hội sâu rộng", ông Thái chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, số lượng năm nay nhiều hơn, đề tài rộng hơn gồm các vấn đề đặt ra cho giáo dục hiện nay. Sau 5 năm, nhóm đề tài về gương tốt có xu hướng giảm nhẹ, còn những vấn đề tồn tại về chế độ chính sách liên quan đến Giáo dục cũng được phản ánh chân thực và trao giải. 

Thông tin thêm, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi thêm, năm nay, nhiều bài phản biện chính sách được trao giải cao. Trong 4 bài đạt giải cao nhất thì có 3 bài liên quan đến vấn đề phản biện chính sách giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem