Hơn 8,5 triệu hộ nông dân, hội viên Hội Nông dân cả nước cam kết làm điều gì trong 3 năm qua?
Hơn 8,5 triệu hộ nông dân, hội viên Hội Nông dân cả nước cam kết làm điều gì trong 3 năm qua?
Thu Hà
Thứ ba, ngày 01/12/2020 06:10 AM (GMT+7)
Hơn 8,5 triệu hộ nông dân, hội viên Hội Nông dân cả nước cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, đặc sản an toàn đã xuất hiện sau 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết chương trình phối hợp số 526 giữa Chính phủ và Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam về "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng giai đoạn 2017-2020".
Dự và chủ trì hội nghị có: Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương.
Dự và chủ trì hội nghị có: Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương.
Hơn 8,5 triệu hộ gia đình hội viên ký cam kết
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, lực lượng phụ nữ, hội nông dân là rường cột trong việc thực hiện chương trình này. Trong thời gian tới, Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông trên phương diện từng đối tượng, từ đó sẽ góp phần tuyên truyền về an toàn thực phẩm tốt hơn.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 3 năm triển khai Chương trình 526, Bộ NNPTNT, Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp triển khai chương trình với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Ban hành 42 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp triển khai thực hiện chương trình; tổ chức 168.552 hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại cho trên gần 16 triệu lượt hội viên; biên soạn, in ấn, phát hành 6.000 cuốn tài liệu tập huấn về an toàn thực phẩm, sổ tay tuyên truyền, xây dựng trên 26.000 phóng sự, clip truyền thông…
Hai Hội NDVN và LHPN Việt Nam đã vận động được hơn 8,5 triệu gia đình hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, tập trung thực hiện cuộc vận động 3 không "không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục", và "nói không với thực phẩm bẩn".
Đáng chú ý, thực hiện chương trình, Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng trên 30.000 mô hình tổ hợp tác, HTX, cửa hàng kinh doanh giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn, phối hợp tổ chức giám sát trên 9.500 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm…
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh: "Chương trình đã vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, hiện tượng "rau hai luống, lợn hai chuồng"… đã giảm mạnh cả về số lượng, mức độ và hiện tượng".
Đẩy mạnh liên kết sản xuất an toàn
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định, Chương trình 526 vẫn còn những tồn tại, vướng mắc. Theo đó, thực phẩm giả, thực phẩm khém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Nông dân mong muốn sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, nhưng gặp khó khăn do người tiêu dùng chưa phân biệt được nông sản an toàn và không an toàn, giá bán nông sản an toàn không cao hơn nhiều… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, liên kết sản xuất kinh doanh chưa mạnh; chế biến thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ, thủ công, hộ gia đình nên khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, các mô hình tốt và tập trung thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của toàn xã hội, của thị trường đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước tương đương với tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu.
Để chương trình tiếp tục triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu đối với việc phối hợp giữa Chính phủ với Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam, các đại biểu đề nghị Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam và các bộ, ngành liên quan dự thảo chương trình giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chương trình phối hợp đã chứng minh hiệu quả sự phối hợp giữa Chính phủ với Hội NDVN và Hội LHPN Việt Nam. Chương trình 526 triển khai đã thôi thúc hội viên của 2 Hội tự ý thức nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật, sản xuất nông sản an toàn vì sức khoẻ bản thân và cộng động, đóng góp tích cực vào áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bền vững như VietGAP, GlobalGAP…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.